Nội dung chính
Chia sẻ bài viết

Chào mọi người!

Đầu tư là điều mà chúng ta ít nhất đều nghe một vài lần trong đời. Và đầu tư theo “Dạy con làm giàu” cũng là góc phần 4 Kim Tứ Đồ cuối cùng của đích đến tài chính mà ai cũng mong muốn.

Đó là để tiền bạc làm việc thay cho mình, không còn phải đánh đổi sức khỏe, thời gian để đổi lấy tiền bạc nữa. Đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh như vài năm qua mọi người có thể thấy đủ các kênh đầu tư, tài chính thay nhau sốt như bất động sản, vàng, forex, crypto, chứng khoán,…

Nhưng có một điều là phần lớn chúng ta bắt đầu gia nhập thị trường sai cách dẫn đến nhiều người thua lỗ, thậm chí trắng tay. 

Thay vì tiền đẻ ra tiền, thì nó lại vô sinh và còn biết cắm sừng bạn nên đội nón ra đi không quay trở lại nữa.

Đương nhiên, thị trường phải có người lỗ thì mới có người lãi. Mình chỉ mong rằng với bài viết này, sẽ giúp ai đó đọc bài viết, đặc biệt là những bạn mới có thể tránh được những sai lầm. Ít nhất khi cũng ta chưa có lãi cũng không mất tài sản tích lũy hay tự đưa mình vào hoàn cảnh khó khăn.

Mọi người cũng lưu ý giúp mình ở đây là mình chia sẻ theo kinh nghiệm của bản thân nên nội dung bài viết đang nói đến việc đầu tư tài chính cá nhân mà thôi. Còn những thứ đầu tư lớn lao hơn thì không thuộc tầm hiểu biết của mình.

Đầu tư sẽ giúp bạn có tương lai tài chính thoải mái và vững vàng hơn. Nguồn ảnh: Internet

Tiền để đầu tư từ đâu?

Về bản chất thì đầu tư là để chúng ta sử dụng đồng tiền nhàn rỗi giúp sinh lời khi không cần làm việc. Hay có một vài cuốn sách đầu tư nói là kiếm tiền cả khi ngủ ( đương nhiên đây cũng chỉ là câu nói hình tượng hóa mà thôi)

Nhưng nghịch lý lại là hầu hết nhiều người chúng ta lại vào thị trường này khi khó khăn về tài chính, hay khi thu nhập từ công việc chính bị ảnh hưởng. Và chính điều này lại là một phần nguyên do khiến ta phải chịu thua lỗ trong thị trường.

Vì khi gia nhập thị trường với tâm thế này, bạn sẽ phải chịu áp lực cả về tâm lý, tiền bạc và thời gian nên luôn chịu thiệt thòi hơn trên thị trường rồi.

Để mình ví dụ thế này để bạn dễ hiểu hơn nhé. Chẳng hạn bạn đầu tư 1000$ vào thị trường Crypto, số tiền này là do bạn vay, hoặc dồn tất cả số vốn mà bạn hiện có. Số tiền này bạn không thể để quá lâu trong thị trường được vì còn phải trả nợ ( cả có lãi hoặc lãi), hoặc bạn cần số tiền này để duy trì cuộc sống.

Và thế là bạn quyết định đầu tư hết vào Bitcoin với hy vọng nó tăng để lướt sóng kiếm tiền. Có thể đúng là nó tăng thật, bạn mua xong lãi được lên 1200$.

Nhưng kìa, Bitcoin vẫn tăng tiếp. Đáng nhẽ đã có thể rút vốn 1000$ kia ra để còn trả nợ hay để bảo đảm cho cuộc sống rồi. Nhưng bạn quyết định all-in hết 1200$ này vì nghĩ rằng cơ hội không có nhiều. Không thể bỏ lỡ cơ hội đổi đời này được.

Sau khi mua xong Bitcoin rơi thảm hại, 1000$, rồi còn 600$. Tiền đến hạn cần lấy ra rồi. Bạn vẫn nuôi hy vọng nó sẽ tăng trở lại để rút ra cho đỡ lỗ.

Nhưng 1 tháng, 2 tháng, nửa năm, không thể trụ nổi nữa rồi. Việc không phải là khoản tiền nhàn rỗi khiến bạn không thể để đó một thời gian quá lâu, bạn đành phải bán hết khi tài khoản còn 300$ để có tiền trang trải cuộc sống, để trả nợ vay,…

Và bạn cũng muốn bán chấm dứt nỗi đau, nỗi sợ khi liên tục phải vào để nhìn giá biến động mỗi ngày, không thể tập trung tâm trí để làm công việc hiện tại của mình.

Dù biết rằng tương lai nó sẽ tăng lại và đúng là nó tăng lại thật. Lãi thì không thấy đâu và bạn đã lỗ mất 700$ so với vốn ban đầu rồi.

Ở chiều ngược lại, có người cũng đầu tư Bitcoin như giá khi bạn mua, nhưng họ vẫn để nguyên đó chưa bán, và mua tiếp số Bitcoin bạn bán khi tài khoản còn 300$ kia để trung bình vốn. Họ để đó 1 năm cũng được, 2 năm cũng được khi lãi đủ rồi họ mới bán ra mà thôi.

Tiền nhàn rỗi khiến họ cũng không bị nhiều áp lực tâm lý khi giá biến động, để đó và làm công việc khác, tiếp tục kiếm tiền & tận hưởng cuộc sống.

Nguồn ảnh: Internet

Đó là sự khắc nghiệt trong đầu tư, là lý do người ta thường hay nói người giàu thì càng giàu, người nghèo thì càng nghèo.

Mình không nói những điều này nhằm mục đích tiêu cực, rằng bạn không có tiền thì đừng tham gia đầu tư, chấp nhận cuộc sống như hiện tại đi,… Mà để bạn nhận ra điều này sớm và có những kế hoặc phù hợp cho bản thân bằng những gợi ý mà mình dành cho bạn. Đó là:

  • Không lấy tiền vay để mang đi đầu tư.
  • Đừng tin vào hình ảnh nhà đẹp, xe sang, đổi đời sau một đêm. Bạn chỉ khiến bản thân mình làm miếng mối cho những kẻ lừa đảo mà thôi. Đó là lý do mà mô hình Ponzi luôn luôn có chỗ đứng dù nó đã có từ năm 1920 rồi.
  • Hạn chế vay nợ dù là nợ thẻ tín dụng, nợ tiêu dùng, nợ trả góp,… Hãy tập cho mình 1 thói quen kiểm soát tài chính và chi tiêu. Không đủ tiền thì không mua. Đặc biệt là mua trả góp hay tiêu dùng. Vì khi đưa bản thân vào nợ nần bạn luôn gắn chặt bản thân với việc trợ nợ, trả lãi và khoản lãi này không hề nhỏ chút nào đâu. Bạn cũng sẽ không dám thay đổi công việc, không dám tìm kiếm cơ hội mới, …

Vậy tiền đầu tư từ đâu ra?

Theo mình việc bạn cần làm ở thời điểm hiện tại là tạo ra tích lũy bằng cách cố gắng tạo ra thu nhập cao hơn trong công việc hiện tại, và ở chiều ngược lại giảm bớt tiền chi tiêu đi. Bạn có thể tìm hiểu lối sống tối giản để giảm bớt sự phụ thuộc vào vật chất, và không bị thói quen nghiện mua sắm.

Bạn hãy cố gắng để mình thoát khỏi vòng Rat Race!

Mình chạy sắp đến đích chưa nhỉ? Nguồn ảnh: Internet

Rat Race mình có thể lấy ví du như con chuột chạy trong một vòng quay bánh xe với miếng pho mát được treo trước mặt. Nó chạy mãi, chạy mãi mà không tới được miếng pho mát và kiệt sức.

Hay trò mà có thể khi nhỏ bạn đã từng làm đó là buộc lon bia vào một chú chuột và thả trên cầu. Nó sẽ chạy, càng chạy lại càng thấy tiếng lon bia như có người đuổi đằng sau, lại càng gắng sức chạy, chạy mãi đến khi kiệt sức.

Nếu không đủ tiền mua điện thoại xịn, ô tô hãy dùng chiếc điện thoại bình thường, đi xe máy thôi. Nếu không đủ tiền mua căn 3 phòng ngủ, hãy mua căn 2 phòng ngủ thôi mà. Bạn hãy nghĩ kỹ xem có thực sự nhu cầu của bản thân và gia đình có cần nhiều đến thế không.

Bạn có thể suy nghĩ và thấy cái lon bia rất giống với những gì ngân hàng và các tổ chức tín dụng đang tạo ra cho chúng ta. Càng ngày việc vay để mua trước trả sau càng dễ dàng hơn, càng nhiều bẫy không lãi suất, kích cầu được giăng ra, và chúng ta tự buộc không chỉ một mà rất nhiều cái lon này quanh cổ và chạy cho đến khi kiệt sức.

Không có ô tô, điện thoại xịn thì sao? Chưa có tiền mua nhà ngay mà ở tạm nhà thuê 1 thời gian nữa thì có sao đâu?

Nhu cầu bạn có thực sự cần đến thế hay chỉ vì thấy người khác có, thấy người khoe trên MXH nên bạn cho rằng mình cần phải như thế mà thôi.

Chỉ cần bạn tiết kiệm 20.000đ mỗi ngày bằng việc bỏ thuốc hoặc tự pha cà phê thay vì mua. Mỗi tháng bạn đã có thêm 600.000đ để đầu tư cho tương lai rồi mà lại còn tốt cho sức khỏe. Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ thôi, còn đó là thói quen mua quần áo, vật dụng nhiều hơn những thứ mình cần là bạn đã có thể dành một khoản lớn cho đầu tư rồi.

Có rất nhiều nguyên tắc chi tiêu được chia sẻ như 50/20/30, hay nguyên tắc 5 chiếc hũ của Lý Gia Thành,… bạn có thể cho mình bất cứ phương pháp nào hoặc tùy biến nó theo cách bạn thấy phù hợp.

Một nguyên tắc quản lý tài chính cá nhân mà bạn có thể tham khảo. Nguồn ảnh: Internet

Với bản thân mình thì mình không hợp với những nguyên tắc kiểu này lắm vì áp dụng chuẩn sẽ khá cứng nhắc và mất nhiều thời gian nên thường không duy trì được lâu. Mình chỉ đơn giản theo cuộc sống tối giản, chi tiêu hợp lý và tiền đầu tư sẽ linh động tùy thời điểm mà thôi.

Bạn hãy xác định mình bỏ ra khoảng vài năm để tích lũy và những năm còn lại khi người khác vẫn sống trong vòng Rat Race thì bạn đã trở thành một chú chuột tự do, thoải mái tự tại mà không cái lon nào buộc vào cổ rồi.

Mình viết những điều này chỉ là quan điểm cá nhân, và không có ý định phê phán quan điểm sống của người khác. Mà chỉ dành cho những ai cần mà không biết bắt đầu từ đầu. Nếu bạn đã trót buộc vài cái lon, thì cũng không sao cả, hãy dần dần gỡ từng cái ra một nhé.

Bắt đầu để đầu tư từ đâu?

Tuy nhiên, việc có tiền nhiều để đầu tư cũng chưa hẳn là một lợi thế nếu bạn bước vào thị trường mà không có kiến thức. Đặc biệt, là với những người đã có thành công nhất định ở những lĩnh vực của họ.

Với tâm thế và cái tôi lớn họ gia nhập thị trường với tài sản của mình mà không chịu học tập, tìm hiểu, chấp nhận mình là tấm chiếu mới trong thị trường. Đặc biệt là với những thị trường dùng đòn bẩy, CFD,…

Có khá nhiều thị trường để bạn có thể tham gia đầu tư như: Chứng khoán, Crypto, Vàng, Bất Động Sản, Forex,… Mọi người có thể tìm hiểu và lựa chọn cho mình lĩnh vực thấy bản thân mình phù hợp. Mình thì chọn Forex và Crypto vì mình thích những thứ mới mẻ, thanh khoản nhanh 24/7 và thích đọc, tìm hiểu về công nghệ, nền tảng của các đồng Coin hơn đọc báo cáo tài chính của một công ty.

Mỗi thị trường sẽ có đặc điểm, rủi ro khác nhau. Và cũng sẽ có cách gọi là đầu tư, đầu cơ, hay giao dịch,… Ở đây mình sẽ gọi chung là đầu tư cho đơn giản. Dù sao cũng chỉ là cách gọi để đỡ có bạn nào vào thắc mắc, tranh cãi cái nào là đầu tư, cái nào là đầu cơ cho mất thời gian.

Tuy nhiên, có một khoản đầu tư mà mình có thể khẳng định bạn sẽ luôn có lãi đó là đầu tư cho bản thân (ý mình ở đây là đầu tư cho kiến thức chứ không phải quần áo hay mỹ phẩm nhé ^^!)

Vì vậy, việc đầu tiên bạn cần làm là đầu tư cho kiến thức! . Nguồn ảnh: Internet

Nếu bạn có thể tìm được một mentor đáng tin tưởng thì tốt, dù sao có người dẫn dắt để tránh những sai lầm vẫn sẽ hơn. Nhưng phải chọn cho đúng nhé, đừng chọn nhầm mấy thầy đa cấp, Ponzi, thổi nến hay ngôi sao Tiktok. Không có cách gì giúp thôi bay tiền và thời gian ( đôi khi là cả mái tóc nữa vì stress nhiều thì rụng tóc) của bạn hơn những thầy này đâu.

Nếu không có thì cũng không sao, bạn có thể tự học, tự tìm hiểu kiến thức, học hỏi qua sai lầm như cách mình đã làm trước kia. Tuy nhiên, hay đừng để mình phạm những sai lầm lớn quá kiểu tất tay. Dạng như một là hôm nay có Merc để đi, 2 là chạy bộ cả đời vì lúc nào cũng có người đuổi theo xiết nợ.

Hãy cho bản thân mình luôn có cơ hội để làm lại! Đầu tư là phải còn tiền thì bạn mới có thể tiếp tục.

Ban đầu, bạn hãy lấy mục tiêu là kiến thức và trải nghiệm trước đã thay vì tiền. Tập trung vào một lĩnh vực mà bạn thấy có hứng thú nhất trước. Chỉ bỏ một số vốn nhỏ vào để bắt đầu cho có hứng thú học và tập dần để làm chủ cảm xúc của bản thân trước tiên.

Việc tự học giờ cũng dễ dàng hơn vì tài liệu, video chia sẻ trên Youtube nhiều hơn ngày xưa khi mình mới bắt đầu rất nhiều, nhưng bạn cũng cần chọn lọc thông tin tiếp nhận trong một thế giới Internet đang ngày càng bão hòa này rất nhiều.

Bớt một chút thời gian chơi game, bớt một chút thời gian lướt mạng xã hội, bớt một chút thời gian xem tin tức và tham gia những câu chuyện phiếm, những phốt không hồi kết trên mạng để dành thời gian học tập và tìm hiểu vừa tránh được những thứ tiêu cực, vừa có tương lai tài chính tốt đẹp hơn.

Việc tìm hiểu, học tập một cách đều đặn ngày này qua ngày khác mình nghĩ rằng sẽ tốt hơn so với việc bắt đầu hừng hực khí thế nhưng sau đấy vài hôm chán lại bỏ quên đi luôn.

Đầu tư dài hạn, đến ngày hái quả việc của bạn là thu hoạch mà thôi. Nguồn ảnh: Internet

Hãy đặt mục tiêu cho bản thân là để 5 -10 năm tới tự do về tài chính thay vì đặt cho mình một mốc số tuyệt đối nào đó. Vì những mốc số tuyệt đối thường không có điểm dừng, có 1 triệu $ lại muốn 2 triệu $, 2 triệu $ lại muốn 5 triệu… và ngoài số tiền bạn kiếm được bao nhiêu việc bạn tiêu bao nhiêu cũng quan trọng không kém.

Thật ra, những lỗi này mình đều từng mắc phải. Tuy mình không mua trả góp hay vay tiêu dùng bao giờ do tính từ trước đến giờ khi mua gì mình đủ tiền mới mua, không thì thôi. Nhưng mình cũng đã từng vay để kinh doanh hay đầu tư. Cũng từng tham lam và mất tiền trong các thị trường tham gia do thiếu kiến thức và muốn giàu nhanh.

Còn nhiều điều mình muốn nói nhưng bài viết này cũng khá dài rồi. Hẹn mọi người ở những bài viết sau. Nếu có thể hãy để lại bình luận về chủ đề mà bạn quan tâm để mình có thể giải đáp nếu trong phạm vi hiểu biết của mình nhé!

Medio

Mình là Medio, admin của Medio Finance. Các nội dung mình chia sẻ về tài chính, phát triển bản thân theo góc nhìn đơn giản hóa với mục tiêu để ai cũng dễ dàng tiếp cận hơn với thị trường này. Tránh lừa đảo và thua lỗ.

Mình tham gia thị trường tài chính từ năm 2016. Sau thời gian dài tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm trong 7, 8 năm vừa qua. Hiện tại, công việc chính của mình là Trader, Investor tự do.

Ngoài ra, mình có chia sẻ kinh nghiệm của mình qua blog medio.finance, kênh Youtube Medio Finance chia sẻ kinh nghiệm trading, đầu tư hiện hơn 86.000 người theo dõi và kênh Podcast Uống trà cùng Medio chia sẻ vài câu chuyện, quan điểm cá nhân từ cuộc sống của Trader.

Mình không nhận đào tạo, không offline, hội thảo, không kêu gọi đầu tư, copytrade, huy động vốn hay đại diện cho bất cứ sàn giao dịch nào. Mọi người lưu ý giúp mình để tránh lừa đảo!