Với giá quảng cáo ngày càng đắt đỏ do cạnh tranh cao, đồng thời thuật toán tối ưu chuyển đổi của các kênh quảng cáo như Google, Facebook, Instagram ngày càng hoàn hảo thì việc sử dụng Landing Page đang trở thành một xu hướng mạnh trong thời gian qua.

Như tiêu đề bài viết, trong bài viết này mình sẽ chia sẻ đầy đủ về Landing Page để với một người mới, bạn cũng có thể hiểu và tự thiết kế được một Landing Page hiệu quả.

Landing Page là gì?

Landing Page là một trang web đơn có nội dung tập trung nhằm dẫn dắt và thuyết phục người truy cập thực hiện một mục tiêu chuyển đổi cụ thể.

Bạn có thể hiểu một cách đơn giản là 1 trang đích để bạn đẩy lưu lượng khách hàng truy cập vào đó và kêu gọi họ thực hiện hành động như: mua hàng, đăng ký dùng thử, để lại thông tin…

Gọi Landing Page là trang đơn vì nội dung của Landing Page thể hiện đầy đủ trong một trang. Người đọc sẽ kéo nội dung từ trên xuống dưới để khám phá dần các nội dung trong đó.

Landing Page khác gì Website?

Như định nghĩa ở trên, Landing Page chính là một Website. Tuy nhiên, khác với các Website thông thường, Landing Page chỉ là một trang đơn, phần lớn không có các thanh menu chuyển hướng sang các trang khác. Về cơ bản Landing Page giản đơn hơn một website rất nhiều.

Thường thì tại cửa hàng bạn sẽ có quy trình, kịch bản để nhân viên tư vấn Khách hàng tốt nhất phải không?

Landing page cũng tương tự như một nhân viên bán hàng tại của hàng hoặc telesales của bạn vậy. Các nội dung trên Landing Page đã được bạn sắp xếp sẵn theo một kịch bản nhằm tác động đến khách hàng mạnh mẽ nhất. Chỉ có điều, landing page có thể phục vụ cùng lúc cả trăm ngàn người (miễn là máy chủ bạn đủ khỏe) còn 1 nhân viên của bạn chỉ có thể phục vụ cùng lúc vài người mà thôi.

Tìm hiểu và tự thiết kế landing page hiệu quả từ A đến Z
Ví dụ về một landing page cho vay tín chấp cho Doanh nghiệp.

Landing Page có tác dụng gì?

Tác dụng của Landing Page là sẽ giúp bạn tăng chuyển đổi cho chiến dịch quảng cáo. Thay vì dẫn khách hàng đến trang chủ của một website, danh mục thì landing page sẽ giúp tỉ lệ chuyển đổi của bạn tăng lên rất nhiều.

Trong thời đại mà vài click bạn đã mất bát phở, thì bạn cần tối ưu công cụ kinh doanh để mỗi tương tác của khách hàng có tiềm năng mua hàng cao hơn.

Vì sao Landing page có thể giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi?

Điều hướng cảm xúc Khách hàng dễ dàng hơn

Để xem nội dung của một Landing Page khách hàng sẽ phải xem từ trên xuống dưới và bạn có thể tính toán bố trí các nội dung để kích thích Khách hàng. Nó như khi bạn tán một cô gái nếu làm đủ các bước để chạm đến cảm xúc thì dễ dàng đổ hơn vậy.

Nhiều trò hay ho bạn có thể làm với Landing Page lắm đấy. Khách hàng cũng sẽ tập trung vào nội dung của sản phẩm, dịch vụ hơn là phân tán sự tập trung bởi những nội dung khác.

Tìm hiểu và Tự thiết kế Landing Page từ A đến Z
Tăng tỉ lệ chuyển đổi với Landing Page
Nội dung trình bày đa dạng, đẹp mắt, kích thích.

Landing page có thể giúp nội dung của bạn được trình bày đa dạng với hình ảnh, nút kêu gọi hành động như Đăng ký, Điền Form, Mua hàng, Gọi điện,… với những hình ảnh kích thích thị giác như vậy sẽ giúp tị lên khách hàng click cao hơn.

Ngoài ra, trên Landing Page bạn có thể tạo các hiệu ứng tạo cảm giác FOMO ( sợ bị bỏ lỡ) cho khách hàng như đếm ngược thời gian kết thúc, vòng quay may mắn,…

Với sự hỗ trợ của các nền tảng tạo Landing Page mới, bạn hoàn toàn có thể tự làm được những điều này bằng vài thao tác kéo thả đơn giản.

Đo lường được chuyển đổi

Với việc gắn các mã theo dõi như Pixel, Gooogle Analytics bạn có thể kiểm soát dễ dàng nguồn khách hàng từ đâu nhiều nhất, từ nền tảng quảng cáo nào: Facebook, Google Ads, hay SEO,… quảng cáo nào mang lại tỉ lệ chuyển đổi cao nhất.

Điều này rất có ích, thay vì nhìn vào giá tương tác, bình luận, click tuy rẻ nhưng không mang lại lợi ích về kinh tế, bạn sẽ tập trung được vào những chiến dịch mang lại hiệu quả hơn. Các cụ đã nói có 20% người truy cập mang lại 80% doanh số cho bạn. Mình không nhớ là cụ nào nói nhưng các cụ nói thì không có sai đâu. Yên tâm!

Điều này cũng khiến bạn dễ dàng áp dụng được nguyên tắc của Warren Buffet trong đầu tư đó là “Hòn tuyết lăn”. Khi biết được chiến dịch, quảng cáo, sản phẩm nào có chuyển đổi cao bạn càng tập trung vào tối ưu những điều này và khiến chúng ngày càng hiệu quả hơn.

Chủ động sử dụng được Data Khách hàng.

Cái này thì mấy bài viết về bán hàng, bài nào mình cũng nói đi nói lại khoản data Khách hàng này. Dù có thể bạn thấy nhàm nhưng mình vẫn phải nói: Quảng cáo Facebook, Instagram, Tiktok, bất cứ mạng xã hội hay kênh quảng cáo nào là bạn đang chơi trên sân của họ nên họ quyết định luật chơi, quyết định cho bạn chơi hay nghỉ.

Chỉ có Website (ở đây là Landing Page) mới là sân chơi của bạn và bạn được quyền quyết định. Đồng thời, data Khách hàng của bạn trên Facebook, bạn cũng chỉ có thể sử dụng để chạy Facebook mà thôi. Nhưng khi sử dụng Landing Page bạn có thể sử dụng nguồn data từ Google, Youtube, Facebook, Tiktok, Instagram, Zalo, Cốc Cốc… hay bất cứ kênh nào khác mà bạn gắn mã theo dõi vào Landing Page của bạn.

Tìm hiểu và Tự thiết kế Landing Page từ A đến Z
Sử dụng data cho nhiều kênh quảng cáo khác nhau.
Data của bạn trên Facebook cũng được sử dụng cho đối thủ của bạn

FB có data của những người tương tác với bạn, những câu chuyện bạn chat với Khách hàng. Và data đấy cũng được họ sử dụng để tối ưu quảng cáo cho cả đối thủ của bạn. Dù sao thì họ là nền tảng quảng cáo nên càng muốn đông nhà quảng cáo cạnh tranh nhau, đổ tiền vào, giá thầu càng cao thì họ càng có nhiều lợi nhuận.

Bạn có thấy rằng bạn quảng cáo quần áo, khách hàng của bạn quan tâm. Lập tức sẽ có hàng tá các bên quần áo khác cũng hiển thị trên newsfeed, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Khách hàng (đặt rồi có khi còn không nhận vì sau đấy tìm được bên khác).

Còn khi dẫn khách hàng về Website (ở đây là Landing page) bạn có thể gắn mã pixel, mã theo dõi các kênh khác để có thể sử dụng data của mình. Với kinh doanh thời đại 4.0 này, data là điều cực kỳ, cực kỳ quan trọng.

Đừng hiểu lầm rằng Facebook không hiệu quả. Đó vẫn là một kênh tiếp cận khách hàng rất tiềm năng. Nhưng với công việc kinh doanh, bạn không nên quá phụ thuộc vào một kênh nào đấy mà phải chủ động nắm giữ kênh bán hàng cho mình.

Có những loại Landing Page nào?

Theo mục tiêu chuyển đổi

Theo landingpagelagi.vn, theo mục tiêu chuyển đổi ta có thể chia Landing Page làm 3 loại phổ biến đó là: Thu thập khách hàng tiềm năng, Bán hàng, Trung gian chuyển đổi.

Thu thập khách hàng tiềm năng

Landing page thu thập khách hàng tiềm năng có mục tiêu là thu thập những thông tin cơ bản của khách hàng tiềm năng (như họ tên, email, số điện thoại) để sử dụng cho các hoạt động marketing sau đó.

Các Landing page dạng này thường sẽ có biểu mẫu đăng ký và luôn đi kèm với một lợi ích trao đổi với khách hàng như ebook, webinar, hội thảo offline, tư vấn miễn phí, quà tặng, mã giảm giá…

Bạn có thể thấy landing page dạng này ở các website dự án bất động sản, đăng ký khóa học, đăng ký trải nghiệm miễn phí tại thẩm mỹ viện, lái thử xe ô tô, …

Bán hàng

Landing page bán hàng có mục tiêu là thuyết phục khách hàng đưa ra quyết định mua hàng ngay trên Landing Page.

Tìm hiểu và Tự thiết kế Landing Page từ A đến Z
Form cơ bản của một Landing Page bán hàng. Nguồn ảnh: landingpagelagi.vn

Các landing page dạng này thường có nội dung về sản phẩm/dịch vụ được xây dựng chi tiết bao gồm: lợi ích khách hàng, đặc điểm nổi bật, phản hồi khách hàng, bảng giá, chính sách…, giúp khách hàng có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định mua hàng.

Chuyển đổi trung gian

Landing page chuyển đổi trung gian có mục tiêu là dẫn dắt người đọc chuyển hướng tới trang chuyển đổi chính.

Landing Page trung gian chuyển đổi chỉ sử dụng nút kêu gọi hành động để chuyển hướng tới trang khác, không sử dụng biểu mẫu đăng ký.
Trong thương mại điện tử, Landing Page trung gian sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và dẫn dắt khách hàng chuyển về trang bán hàng hoặc trang giỏ hàng của website chính.

Theo độ dài của Landing Page

Theo landingpage.vn khi phân loại theo độ dài của Landing Page chúng ta có thể phân loại như sau:

Landing Page kiểu ngắn

Landing Page bán hàng kiểu ngắn phù hợp với trang bán một sản phẩm cụ thể mà khách hàng ra quyết định mua hàng nhanh.

Nội dung trên trang Landing Page bán hàng kiểu ngắn tập chung chính vào hình ảnh, video, tính năng, bảng giá của sản phẩm đủ để chốt sale ngay. Ngoài ra nội dung có thể thêm các thông tin tăng độ tin tưởng như chính sách mua hàng, bảo hành, phản hồi, chứng nhận… để tăng tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng.

Các Landing page dạng này thường phù hợp với các mặt hàng có giá trị thấp hoặc không có nhiều tính năng, đặc tính để khai thác nội dung như: quần áo, giày dép, đồ trang trí,…

Landing Page kiểu dài

Landing Page bán hàng kiểu dài phù hợp các ngành nghề dịch vụ hoặc sản phẩm giá trị cao hay sản phẩm khách hàng cần nhiều thông tin để đưa ra quyết định mua hàng.

Nội dung trên trang Landing Page bán hàng kiểu dài được thiết kế chi tiết đầy đủ thông tin để thuyết phục khách hàng mua hàng.

Một số đoạn (section) nội dung mà bạn có thể tham khảo: Giới thiệu (Intro), Lợi ích khách hàng, Đặc điểm nổi bật, Nội dung chi tiết, Đội nhóm, Ý kiến khách hàng, Chứng nhận & cam kết, Bảng giá, FAQ, CTA (Call-To-Action: Nút kêu gọi hành động), Form đặt hàng, Footer.

Các landing page dạng này sẽ phù hợp với các sản phẩm khách hàng cần nhiều thông tin như thực phẩm chức năng, đồ gia dụng đắt tiền, đồ công nghệ,…

Nên làm Landing Page khi nào?

Với những nội dung mình đã viết ở trên, bạn có thể tự đánh giá xem Landing Page có phù hợp với sản phẩm, mục tiêu kinh doanh của bạn hay không?

Theo ý kiến đánh giá cá nhân của mình thì gần như Landing Page có thể áp dụng có tất cả các ngành nghề khác nhau từ: Bất động sản, Du lịch, Giáo dục, Công nghệ, Sức khỏe, Làm đẹp, Thời trang,…

Tuy nhiên, ở từng thời điểm khác nhau bạn sẽ quyết định sử dụng landing page cho phù hợp. Chẳng hạn, như khi bạn muốn tập trung đẩy mạnh một sản phẩm chủ lực của bạn. (hoặc sản phẩm bạn đang còn ế rất nhiều ^ ^)

Hoặc trong những dịp đặc biệt như Tết, Valentine, Ngày lễ,…chúng ta cần khách hàng quyết định mua hàng trong thời gian ngắn thì landing page sẽ là một công cụ cực kỳ hữu dụng. Đã có rất nhiều các case study cực kỳ thành công về bán hàng mùa tết, mùa valentine sử dụng landing page rồi.

Trong dịch COVID 19 này, bạn cũng có thể làm trang Landing Page riêng để bán các sản phẩm như mirco hát karaoke, lò nướng, hoặc đồ chơi cho trẻ em chẳng hạn.

Ngoài ra, Landing Page rất phù hợp để bạn chạy các chiến dịch quảng cáo Google, Facebook, Google Display Network, Youtube, Tik Tok, Cốc Cốc,…

Sự sáng tạo là vô hạn, bạn mới là người hiểu rõ sản phẩm của mình nhất. Vì vậy, hãy nghĩ cách sử dụng Landing Page sao cho hợp lý nhé!

Bạn nên đọc thêm bài viết:”2020, Doanh nghiệp nên chọn kênh Digital Marketing nào mang lại hiệu quả cao!” để biết ứng dụng kết hợp với Landing Page nhé!

Thiết kế Landing Page ở đâu?

Mình cũng từng viết một bài so sánh các nền tảng thiết kế Landing Page để mọi người có thể so sánh giữa các nền tảng. Tuy nhiên, để lựa chọn một nền tảng mà mình khuyên mọi người nên sử dụng để tự thiết kế landing page tốt nhất thì đó là Ladipage

Ladipage là nền tảng thiết kế landing page đầu tiên và số 1 tại Việt Nam hiện nay. Bạn có thể tạo landing page trực tiếp trên nền tảng cũng dạng kéo thả. Bạn sẽ không cần cài đặt code, không cần mua hosting vì landing page của bạn sẽ chạy trực tiếp trên máy chủ của họ.

Tìm hiểu và thiết kế landing page miễn phí từ A đến Z

Ladipage hiện tại có khoảng 160.584 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng. Và có 1.325.717 Landing Page được khởi tạo từ nền tảng LadiPage. Đó là những con số rất ấn tượng với một nền tảng mới chỉ ra mắt được vài năm ngắn ngủi. Sự phổ biến của Ladipage khiến nhiều người còn nhầm lẫn giữa 2 khái niệm Ladipage và Landing page.

Khi Ladipage xuất hiện đã khiến việc thiết kế landing page trở nên dễ dàng, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với trước đây. Và trở thành nền tảng làm Landing page được rất nhiều người lựa chọn bởi những lý do:

  • Không cần quan tâm nhiều đến vấn đề kỹ thuật như Hosting, SSL, Cài đặt,…Bạn chỉ việc đăng ký, trỏ tên miền về và kéo thả mà thôi.
  • Tốc độ cực kỳ nhanh, nhiều khi chẳng may chớp mắt lúc ấn chuột thấy trang đã load xong mà mình còn tưởng chưa ấn chuột… Đây là những cái mà Landing Page mình đang tự làm bằng WordPress thấy thua kém so với Ladipage.
  • Tạo nhanh Landing Page từ kho giao diện mẫu đủ các ngành nghề, sản phẩm với 1000+ giao diện. Bạn chỉ cần chọn lựa, ấn chuột và sửa nội dung cho phù hợp mà thôi.
  • Sửa Landing page nhanh sử dụng kéo thả.
  • Nhân bản trang Landing page nhanh, trong khi bạn đi WC mình có thể nhân bản được cả chục cái rồi (đấy là nếu hệ thống tiêu hóa của bạn bình thường, nếu táo bón thì chắc chắn sẽ nhiều hơn).
  • Cho phép tải Landing page về dưới dạng HTML, xuất bản lên WordPress, Sapo, Haravan, Shopify…
  • Kho ứng dụng lớn có thể kết nối đến nhiều kênh khác nhau như: Gmail, Google Sheet, CRM, API, Mailchimp,…
  • Founder Ladipage là anh Bình Nguyễn – sáng lập cộng đồng iSocial, iSEO,…một người rất có tiếng trong cộng đồng Digital Marketing. Có kinh nghiệm làm MMO trên thị thường nước ngoài nhiều nên hầu hết những trò gì hay ho có ở nước ngoài mình thấy đều được Ladipage đưa về và cải tiến. Chẳng hạn như mấy ứng dụng quay vòng quay trúng thưởng, social proof,…
  • Giá rẻ vì tính ra cũng chỉ ngang với việc bạn mua hosting mà thôi.
  • Thoải mái quảng cáo đẩy vài chục ngàn traffic cùng lúc về tùy ý mà không phải lo lắng landingpage của mình sẽ bị chậm, hosting bị nghẽn,…vì server của họ rất mạnh.

Ladipage đang có chương trình khuyến mại tăng thêm 3 tháng sử dụng khi đăng ký. Bạn có thể đăng ký trong thời gian này để nhận được khuyến mãi nhé.

Kinh nghiệm để Thiết kế Landing Page hiệu quả

Đây là một số kinh nghiệm khi thiết kế và sử dụng landing page hiệu quả để bạn tham khảo. Mong rằng sẽ giúp bạn vận dung landing page được tốt hơn.

Đảm bảo nội dung của Landing page phù hợp với quảng cáo

Khi bạn tiến hành quảng cáo cần tránh trường hợp “treo đầu dê bán thịt chó”. Quảng cáo theo một kiểu đến khi vào landing page lại theo một kiểu khác. Điều này vừa gây phản ứng tiêu cực từ khách hàng, vừa tăng tỉ lệ thoát landing page khiến các nền tảng đánh giá thấp quảng cáo của bạn khiến giá thầu tăng lên và tăng chi phí quảng cáo.

Không dùng quá nhiều hiệu ứng cho Landing Page

Thêm hiệu ứng đẹp mắt cho khách hàng là điều nên làm cho Landing Page. Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng và sử dụng quá nhiều hiệu ứng nhấp nháy, pop up, màu sắc lòe loẹt quá khiến khách hàng bị rối mắc và không tập trung vào nội dung. Đông thời gây mất tính thẩm mĩ và có thể làm chậm tốc độ truy cập Website.

Đưa khách hàng đến với đúng những gì họ cần.

Điều này cũng gần tương tự như việc nội dung của landing page phù hợp với quảng cáo.

Chẳng hạn khi bạn quảng cáo trung tâm tiếng anh, bạn cần đưa khách hàng đến với đúng khóa học họ cần. Ví dụ:

  • Những người muốn học IELTS để bổ sung tiếng anh cho CV đi làm cần đưa về landing page viết xoay quanh học IELTS để có công việc tốt. Đưa ra các phản hồi những người đã học xong khóa học và có công việc như ý.
  • Nhưng người muốn học IELTS để đi du học cần đưa về đúng IELTS để đi du học, đưa ra thông tin, dẫn chứng về những người đã hiện thực hóa giấc mơ du học của mình.
  • Chúng ta còn có thể chia nhỏ hơn là du học Úc, Anh, Mỹ. Hoặc chia nhỏ hơn nữa theo cùng một Landing Page nếu người dùng tìm theo “điều kiện để đi du học Úc” phần thông tin điều kiện du học Úc sẽ được đưa lên đầu trang để người dùng ngay lập tức có được thông tin và tiếp tục đọc. Ai tìm kiếm “giá khóa học IELTS” thì phần giá sẽ được đưa lên đầu,…

Vì vậy, bạn có thể tạo vài chục landing page cho các chiến dịch, nhóm quảng cáo khác nhau để phù hợp với từng đối tượng. Điều này bạn có thể làm được dễ dàng với công cụ nhân bản Landing Page của Ladipage.

Đưa ra các đánh giá, phản hồi về sản phẩm.

Bạn nên đưa ra các đánh giá, phản hồi tốt về sản phẩm để khiến khách hàng tin tưởng mua hàng hơn. Nên nhớ là phải càng thật càng tốt, nếu giả quá sẽ khiến khách hàng nghi ngờ.

Bạn có thể sử dụng ảnh chụp tin nhắn, zalo, facebook, video quay lại phản hồi, hoặc đoạn ghi âm của chăm sóc khách hàng. Tránh những bằng chứng mang tính dàn dựng quá khiến khách hàng nghi ngờ nhé.

Để tham khảo về cách đưa ra các bằng chứng, phản hồi bạn hãy xem các landing page của các bên bán thực phẩm chức năng. Họ là “chúa tể” của việc show các bằng chứng sản phẩm.

Mọi câu hỏi, góp ý cho mình bạn đừng ngần ngại comment bên dưới nhé. Cảm ơn bạn chúc bạn kinh doanh thành công!

Được phân loại trong: