Xin chào, mình là Medio! Cảm ơn bạn đã ghé thăm Medio's Blog. Chúc mọi người một tuần tốt lành!

Tuần này mình sẽ viết về chủ đề mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp phải trong quá trình phát triển doanh nghiệp với Digital Marketing.

Trong làm việc với các anh chị chủ Doanh nghiệp, mình thấy nhiều a/c vẫn đang vướng mắc giữa việc không biết chọn kênh Digital Marketing nào phù hợp. Mất nhiều tiền đi học các khóa học về Digital Marketing từ tổng thế, FB Ads, Google Ads đến SEO mà hiệu quả không áp dụng được vào Doanh nghiệp là bao nhiêu.

Cứ thử, thấy không phù hợp lại chuyển kênh khác, rất mất thời gian và chi phí, còn gây xáo trộn trong việc tuyển dụng nhân sự phù hợp nữa. Đôi khi làm đúng kênh nhưng chưa hiểu rõ đặc thù kênh nên bỏ cuộc giữa chừng mà chưa kịp đợi đến khi kênh có thành quả.

Cảnh báo: Bài viết này mình sẽ phân tích chi tiết các kênh và hướng dẫn lựa chọn kênh dành cho các anh chị chủ Doanh nghiệp để có cái nhìn chính xác nhất. Mình không muốn chia thành nhiều bài viết nhỏ khiến anh chị khó theo dõi. Vì vậy, bài viết rất dài nên các anh chị có thể lưu vào trình duyệt hoặc share để đọc tiếp hoặc đọc lại khi cần nhé!

Đặc thù Doanh nghiệp của anh chị là gì?

Để lựa chọn kênh phù hợp với Doanh nghiệp của mình, anh chị cần trả lời giúp mình một số câu hỏi sau:

  • Đặc thù doanh nghiệp của chị là B2B hay B2C: điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn các kênh a/c sử dụng khi Marketing bởi đối tượng cần bán hàng là khác nhau. Đối tượng B2B nhỏ hơn, đặc thù hơn vì vậy sẽ có những kênh đại trà không phù hợp hoặc phải sử dụng kênh đó theo một cách khác so với B2C.
  • Sản phẩm: có những kênh Digital Marketing phù hợp với sản phẩm này, nhưng không phù hợp với sản phẩm khác. Các sản phẩm dịch vụ sẽ cần cách làm marketing khác với các sản phẩm vật lý. Đồng thời ảnh hưởng đến đối tượng mà a/c hướng tới như độ tuổi, thu nhập, hành vi,…
  • Ngân sách: đây là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của a/c. Nếu ngân sách thấp ta chỉ chọn 1, 2 kênh phù hợp và mang lại hiệu quả cao, không thể chạy trên nhiều kênh vì sẽ giảm hiệu quả. Hoặc có những kênh ngân sách thấp quá thì chẳng khác nào muối bỏ bể cả.

Đó là 3 yếu tố anh chị cần trả lời rõ ràng, càng chi tiết, chính xác thì việc định hướng Digital Marketing sẽ càng dễ dàng.

Để đọc phần tiếp theo hiệu quả hơn, anh chị tự trả lời giúp mình các câu hỏi trên đã nhé. Là những người Chủ Doanh nghiệp, hiểu doanh nghiệp nhất rồi nên việc trả lời các câu hỏi này mình nghĩ sẽ rất nhanh thôi.

Chúng ta luôn dễ dàng chọn đường đi khi biết đích đến ở đâu.

Đánh giá các kênh Digital Marketing phù hợp với Doanh nghiệp.

Các kênh mạng xã hội

Mình sẽ đánh giá về các kênh mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam hiện nay đó là: Facebook, Youtube, Zalo, Instagram, Tiktok,…

Facebook

Facebook hiện tại đang là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất từ giá đến trẻ hầu như ai cũng có Facebook và cũng có rất nhiều tính năng để phù hợp với các cách thức Marketing đa dạng khác nhau.

Tuy hiện tại Facebook Ads đã bão hòa so với vài năm trước do cạnh tranh cao nhưng không có nghĩa FB không còn hiệu quả.

Với Facebook cách thức phổ biến mà các Doanh nghiệp thường dùng là tạo fanpage và đổ tiền vào Facebook Ads để quảng cáo bán hàng trực tiếp, sau đó lượng like fanpage cũng sẽ dần dần tăng lên.

Tuy nhiên, sau một thời gian Facebook bị chửi sấp mặt vì quá nhiều quảng cáo, thuật toán Facebook đã thay đổi hướng đến các nội dung có ích với người dùng nhiều hơn như tăng tỉ lệ hiển thị bài viết có ích từ các profile cá nhân (đặc biệt là những người hay tương tác), group, giảm tỉ lệ hiển thị từ các bài viết bán hàng dù là profile hay page.

Doanh nghiệp nên sử dụng kênh online nào

Vì vậy, việc đăng bài trên page chắc chắn sẽ bị giảm tỉ lệ hiển thị đi rất nhiều. Để khắc phục được điều này chúng ta có thể xây dựng Profile cá nhân, tạo các Group.

Việc vận dụng Facebook theo cách nào thì sẽ tùy đặc thù doanh nghiệp và mức độ sáng tạo của mỗi doanh nghiệp. Công cụ chỉ có như thế nhưng vận dụng sáng tạo sẽ mang lại những hiệu quả khác biệt.

Profile cá nhân

Các anh chị chủ doanh nghiệp có thể xây dựng profile cá nhân mạnh hơn để trở thành người có tiếng nói trong ngành nghề lĩnh vực của mình. Thay vì sử dụng Facebook theo kiểu không mang lại giá trị gì mà còn mất thời gian, anh chị hãy dùng theo cách thức khoa học và mang lại giá trị hơn. Điều này có thể áp dụng được cả cho doanh nghiệp B2B hay B2C.

Xây dựng một profile chuyên nghiệp kết nối với những người có liên quan. Với B2B đó là những người có sức ảnh hưởng trong doanh nghiệp Khách hàng, với B2C thì đó là những khách hàng tiềm năng.

Mọi người có thể làm điều này bằng cách tích cực chia sẻ, comment những điều có ích trong các hội nhóm liên quan đến ngành nghề hoặc có đông đối tượng tiềm năng của anh chị. Chẳng hạn, doanh nghiệp của anh chị bán thực phẩm chức năng liên quan đến trào ngược, dạ dày, anh chị có thể chia sẻ các bài viết thông tin có ích tại các hội những người bị trào ngược, dạ dày,…

Và cả trên profile của chính anh chị nữa. Thông thường mọi người thấy thông tin có ích sẽ chú ý và xem profile người viết. Nếu profile của anh chị chưa nhiều những thông tin có ích họ sẽ follow.

Lưu ý rằng anh chị hạn chế đăng bài quảng cáo về sản phẩm dịch vụ của mình nhé. Đăng trên hội nhóm thì tuyệt đối không lồng quảng cáo sản phẩm vào vì sẽ gây phản tác dụng. Trên bài viết profile thì thỉnh thoảng cài thêm chút quảng cáo vào thôi. Người dùng ngày nay rất nhạy cảm với thông tin quảng cáo.

Mọi người lưu ý chỉnh sửa phần giới thiệu bản thân sao cho hấp dẫn, để thông tin công việc của mình chẳng hạn Founder của abc,… để người khác có thể biết mình đang làm công việc gì.

Xây dựng profile đòi hỏi một quá trình lâu dài, anh chị không nên quá vội vàng, không mua tài khoản nhiều follow hay tạo nhiều tài khoản để spam nhé. Chỉ cần tập trung đầu tư cho một profile tốt là kiếm tiền ngon rồi. Khi xây dựng anh chị cứ đơn giản nghĩ rằng mình đang sử dụng facebook như bình thường, và đang tạo giá trị cho cộng đồng thì sẽ có động lực làm lâu dài.

Khi tích cực đóng góp cho một cộng đồng nào đó, có thể anh chị sẽ được mời làm admin hoặc mod, như vậy sẽ càng có tiếng nói trong cộng đồng và mọi người biết đến nhiều hơn.

Cộng đồng (Group)

Như mình đã nói ở trên các anh chị có thể tận dụng các group nhanh hơn bằng cách chia sẻ và hoạt động tích cực trong một group đã đông thành viên sẵn rồi.

Doanh nghiệp nên sử dụng kênh online nào

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên tạo một group cho riêng mình để đảm bảo tính chủ động và lâu dài. Việc tạo group có thể theo 2 hướng:

– Group cộng đồng hỗ trợ các khách hàng hoặc khách hàng tiềm năng của Doanh nghiệp. Group này có thể đặt theo tên doanh nghiệp hoặc sản phẩm. Mục đích của group là tăng tính gắn kết giữa doanh nghiệp và khách hàng, giữa các khách hàng với nhau. Giúp các doanh nghiệp nhận được các phản hồi, góp ý của khách hàng một cách kịp thời. Group này sẽ rất phù hợp với các doanh nghiệp mà sản phẩm khách hàng có thể mua lại nhiều lần như: các sản phẩm số, dịch vụ, B2B,…

– Group cộng đồng khách hàng tiềm năng group này sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thêm tệp khách hàng của mình, mang tính thuần cộng đồng miễn phí. Đóng vai trò như phễu đón khách hàng tiềm năng của mình. Chẳng hạn như với doanh nghiệp bán các sản phẩm xanh thì đó là “hội những người thích sống xanh”, với các nhà xuất bản, đào tạo thì có thể là “hội những người thích đọc sách”,…

Mọi người có thể xem xét mục tiêu của mình và chọn định hướng phát triển mà mình mong muốn. Hoặc có thể tạo cả 2 dạng group như trên. Nhưng không nên tạo một group mà lẫn lộn cả 2 đối tượng vì khi có phản hồi tiêu cực có thể khiến anh chị mất cả những khách hàng tiềm năng, và thông tin đó sẽ được lan truyền rất nhanh thay vì hỗ trợ trong một group kín.

Fanpage (Facebook Ads)

Dù fanpage không còn quá hiệu quả như trước nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ qua nó. Trang fanpage sẽ được xem như thông tin phát ngôn chính thức từ doanh nghiệp. Nhưng thay vì chỉ đăng các nội dung bán hàng, anh chị hãy đăng các thông tin hữu ích, các tips liên quan đến khách hàng của mình, các nội dung mang tính viral mà người dùng dễ share để tăng tương tác.

Tuy nhiên, các nội dung phải phù hợp với đối tượng khách hàng và thương hiệu của doanh nghiệp chứ đừng biến page thành nơi đăng các thông tin tạp nham câu view rẻ tiền, hóng biến. Anh chị có thể theo dõi các doanh nghiệp lớn để học hỏi cách làm của họ. Chẳng hạn như Durex,…

Khi chạy quảng cáo FB, có thể chạy quảng cáo các bài viết có ích chứ không chạy các bài quảng cáo bán hàng trực tiếp. Mình rất hay chọn cách quảng cáo đưa khách hàng về website của mình. Tuy có thể giá sẽ cao hơn các bài tương tác nhưng đối tượng sẽ chất lượng hơn. Và khi kéo traffic về “sân nhà” của chúng ta, chúng ta cũng sẽ có data khách hàng và thoải mái làm nhiều “trò hay”.

Kéo traffic về cũng sẽ hỗ trợ giúp chúng ta tăng thứ hạng tìm kiếm trên Google (SEO) cho Website.

Công cụ quảng cáo Facebook cung cấp là giống nhau cho tất cả mọi người, nhưng cũng như một con dao hay cái cần câu vậy, vận dụng thế nào? Hiệu quả hay không? Nằm ở khả năng của mỗi người.

  • Video Facebook

Video đang là nội dung phát triển mạnh nhất trong vài năm gần đây, người dùng có xu hướng ngồi hàng giờ để xem từ video này sang video khác. Facebook có cơ chế gợi ý các video tương tự mà người dùng quan tâm nên video sẽ dễ tiếp cận người dùng một cách miễn phí hơn.

Doanh nghiệp có thể tận dụng nội dung dạng này để tăng tính lan truyền hiệu quả. 3-5s đầu là rất quan trọng với video quyết định người dùng có xem tiếp không. Mọi người hãy lưu ý điều này nhé. Mọi người có thể học hỏi thêm từ video của các bên, đặc biệt là TVC của Thái Lan. Nội dung cực kỳ hấp dẫn mà phải xem đến cuối cùng mới biết đó là quảng cáo cái gì…

Youtube

Khỏi cần phải nói thì mọi người cũng biết Youtube giờ phố biến như thế nào phải không ? Nền tảng nội dung Video của Google này đang đứng thứ 2 thế giới. Lợi thế của Youtube so với Facebook là người dùng cực kỳ đa dạng từ già đến trẻ em vài tháng tuổi, từ thu nhập thấp đến thu nhập cao, từ máy tính, di động, máy tính bảng, tivi, và cả ô tô nữa.

Sự bùng nổ của Youtube bắt nguồn từ sự thịnh hành của nội dung video mình đã nói ở trên. Và cơ chế chia hoa hồng từ quảng cáo của Youtube cho những người sáng tạo nội dung (Youtuber, Vlogger) khiến nội dung trên youtube cực kỳ đa dạng, chất lượng và phù hợp với các đối tượng khác nhau.

Để tận dụng Youtube mình sẽ có vài gợi ý dành cho anh chị:

Sử dụng KOLs, Vlogger.

Doanh nghiệp có thể tài trợ cho các clip của các Vlogger có nhiều subscriber phù hợp với sản phẩm của mình để được nhiều người biết đến hơn bằng cách trả phí theo thỏa thuận với các vlogger (mỗi vlogger sẽ có mức phí khác nhau tùy thuộc vào lượng subcribers, sản phẩm,..), tài trợ sản phẩm review, cung cấp mã giảm giá cho các Subcribers của họ,…

Doanh nghiệp nên sử dụng kênh online nào

Lợi ích của việc này là tận dụng được sức ảnh hưởng từ các vlogger để sản phẩm được nhiều người biết đến, các fan của họ cũng sẽ vì yêu mến thần tượng mà có cảm tình với sản phẩm hơn.

Lưu ý các anh chị cần tìm các vlogger phù hợp thì mới có thể đem lại hiệu quả cao mà tiết kiệm chi phí. Yếu tố quan trọng nhất là: Đối tượng xem video của vlogger đó là những ai? Hình ảnh của họ có phù hợp với doanh nghiệp của bạn không? Bạn không thể quảng cáo sản phẩm trung tâm tiếng anh trên youtube của Khá Bảnh được phải không?

Kế tiếp đó là tỉ lệ tương tác (views, comment, like/dislike) so với số lượng subscribers của họ trong các video trước đó thế nào? Nhiều lượt subscribers mà tương tác kém thì không bằng một người ít subscribers gấp 5 lần nhưng tương tác mạnh và đối tượng phù hợp? (giá tài trợ của họ có lẽ cũng sẽ rẻ hơn)

Phát triển kênh Youtube

Nếu có thể thì phát triển kênh Youtube sẽ giúp bạn tiếp cận với nhiều người một cách rất nhanh chóng nhờ số lượng sử dụng đông đảo và cơ chế gợi ý video rất tốt, hỗ trợ người dùng tìm kiếm cũng rất tốt.

Mỗi doanh nghiệp, sản phẩm sẽ có những dạng content phù hợp cho mình. Điều đặc biệt của Youtube là nội dung trên video mang lại sự sáng vô hạn. Đó có thể là các clip hướng dẫn sử dụng sản phẩm, các mẹo khi dùng sản phẩm, clip viral, các hướng dẫn, quy trình làm sản phẩm, giới thiệu doanh nghiệp,…

Nếu bạn đang bán dầu dừa, đừng ngần ngại làm clip hướng dẫn làm dầu dừa tại nhà, có cả quy trình sản xuất dầu dừa của Doanh nghiệp anh chị nữa. Vì người dùng sẽ xem nó nhưng sau 1,2 lần làm thấy vất vả quá sẽ nhớ đến sản phẩm và tìm mua thôi.hehe.

Với các công ty nội thất, vật liệu xây dựng, thiết kế đó có thể là video quay sự lung linh của các sản phẩm đã hoàn thành của khách hàng, sự cẩn thận khi thi công. Chẳng có gì đáng tin tưởng hơn là khách hàng có thể xem được hình ảnh thực tế phải không ạ?

Một điều các anh chị chủ doanh nghiệp nên lưu ý rằng Youtube có cơ chế thuật toán riêng, khi video được cho là có ích sẽ được xếp hạng cao hơn khi người dùng tìm kiếm trên Youtube, hoặc được gợi ý, lúc đó kênh có thể sẽ phát triển bùng nổ rất nhanh chóng. Nhưng để đạt được như vậy sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là nội dung.

Vì vậy đây là một kênh cần phát triển lâu dài và đều đặn nên đòi hỏi sự kiên trì. Vì vậy, các anh chị không nên mới chỉ sau 1,2 tháng đã đánh giá rằng nó không hiệu quả.

Đừng quá đòi hỏi sự hoàn hảo để thuê ekip hoặc đầu tư quá nhiều để sau khoảng vài clip là không theo nổi rồi. Đây là một con đường dài trường kỳ. Nếu chưa có điều kiện làm các video chỉnh sửa chuyên nghiệp, có thể chỉ sử dụng một chiếc điện thoại và app chỉnh sửa trên đó là cũng có thể làm được rồi. Rất rất nhiều các clip làm cực kỳ đơn giản nhưng vẫn có lượt view rất cao. Anh chị hãy tham khảo và thử lý giải xem lý do vì sao nhé!

Zalo

Zalo hiện nay đang là app MXH, gọi điện, nhắn tin phổ biến nhất tại Việt Nam với rất nhiều tính năng phù hợp cho trao đổi công việc, liên lạc như phiên bản trên PC, gửi file, tạo lịch hẹn,… không bị hỗn tạp nhiều thông tin như Facebook, app cũng nhẹ hơn Messenger nên được dân văn phòng cũng rất ưu chuộng.

Với kênh Zalo này các Doanh nghiệp có thể sử dụng tương tự như kênh Facebook với các tính năng như Zalo Page, Zalo Ads, Shop bán hàng trên Zalo,…

Zalo Ads đương nhiên sẽ không tối ưu được như Facebook Ads. Target hiện tại của Zalo Ads mình cũng thấy khá sơ sài khi chỉ cho target theo giới tính, địa điểm. Cách target như vậy sẽ phù hợp với các Doanh nghiệp bán các sản phẩm đại trà như giày dép, quần áo, vay tín chấp, cầm đồ,…

Zalo Ads cũng sẽ cho bạn Import SDT để quảng cáo trên các Zalo này, nhưng việc này yêu cầu số lượng data của bạn phải lớn thì mới bõ để chạy. Các doanh nghiệp bán lẻ có thể vận dụng cách này để remarketing lại với tệp khách hàng cũ của mình là tốt nhất.

Đối với các doanh nghiệp B2B, kênh Zalo có thể được sử dụng như một group trao đổi, hỗ trợ, hoặc cộng đồng giữa các Khách hàng và Doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số điểm bất tiện là trên Zalo sẽ phù hợp với các nhóm nhỏ thôi. Nếu nhóm to nhiều người chat sẽ rất rối và thông báo liên tục khiến người dùng khác khó chịu out nhóm hoặc tắt thông báo đi.

Tuy nhiên điểm mạnh của group trên Zalo là khi cần gửi thông báo sẽ rất nhanh và tiện bởi rất nhiều người dùng Zalo làm app liên lạc chính.

Instagram

Khác với đối tượng đa dạng như các MXH mình đã chia sẻ ở trên, Instagram tập trung vào các đối tượng trẻ từ khoảng hơn 30 tuổi trở xuống.

Bởi Instagram là mạng xã hội chuyên về hình ảnh, gần như chỉ sử dụng trên điện thoại nên các đối tượng trên Instagram có đặc trưng là những người trẻ, năng động, có guu thẩm mỹ, thích chụp ảnh, thích đi du lịch và chia sẻ những khoảnh khắc đẹp.

Vì lý do như vậy nên Instagram rất phù hợp với các công ty B2C ở các lĩnh vực như: Du lịch, Thời trang, Thiết kế, Ẩm thực,… Rất nhiều các shop nhỏ bán hàng trên Instagram rất tốt, tỉ lệ chuyển đổi cao, tỉ lệ hoàn ít hơn so với Facebook.

Instagram cho phép bạn tạo tài khoản cá nhân hoặc tài khoản doanh nghiệp và có thể chuyển đổi qua lại giữa 2 loại tài khoản này.

Với tài khoản doanh nghiệp bạn cần liên kết với Facebook Page và có thể chạy quảng cáo. Tài khoản doanh nghiệp cũng sẽ có thể một số tính năng như các nút liên hệ, phần thống kê tương tác,…

Với Instagram các Doanh nghiệp có thể phát triển tài khoản theo 2 hướng:

Instagram Ads.

Instagram thuộc sở hữu của Facebook, vì vậy bạn có thể chạy quảng cáo từ trình quản lý quảng cáo của Facebook bằng cách liên kết tài khoản Instagram với Facebook Page.

Bạn cũng có thể chạy quảng cáo từ App Instagram trên điện thoại. Tuy nhiên, mình khuyên bạn nên sử dụng trình quản lý quảng cáo của Facebook chạy sẽ đầy đủ các tính năng, thống kê và target đối tượng cũng tốt hơn.

Một lưu ý nhỏ rằng định dạng ảnh và video trên Instagram là dạng ảnh vuông. Bạn nên sử dụng các ảnh, video theo đúng định dạng như vậy.

Tăng Follow tự nhiên.

Tăng follow tự nhiên nhưng không phải tự nhiên tăng.

Bạn có thể tăng tương tác bằng cách đăng bài viết tài trợ từ các tài khoản nhiều followers ( KOLs, Influencers,…) tương tự như Youtube mình có nói ở phần trên.

Một cách khác nữa là đi tương tác, follow các tài khoản khác để họ follow lại. Trước đây, mình cũng làm dịch vụ tương tác tự động này. Tuy nhiên hiện tại Instagram đã chặn bot tương tác nên những dịch vụ dạng như vậy không còn hiệu quả như trước nữa. Tuy nhiên bạn cũng có thể thử nghiệm làm bằng cách tự follow bằng tay.

Bạn có thể đọc thêm bài viết: Bỏ quên Instagram, bạn có đang bỏ qua kho vàng? mà mình đã viết để hiểu thêm nhé!

Tiktok

Tiktok là mạng xã hội xuất xứ từ Trung Quốc phát triển với tốc độ bàn thờ trong khoảng 2 năm trở lại đây. Tiktok cho phép người dùng tạo và chia sẻ các clip ngắn mang tính giải trí cao. Với công cụ hỗ trợ chỉnh sửa mạnh, dễ dùng, đặc biệt là kho nhạc khổng lồ nên các clip trên tiktok rất dễ để tạo thành trend.

Rất nhiều các trend trên mạng xã hội bắt nguồn từ Tiktok. Với đặc điểm như vậy, Tiktok đang là kênh mạng xã hội rất hot của thế hệ Z. Bạn có thể thử lướt Tiktok vài lần sẽ hiểu vì sao nó hot như vậy, mang tính gây nghiện rất cao bởi các clip ngắn, khiến bạn cười không nhặt được mồm hoặc nhỏ nước dãi vì các hot girl trên đó. Chính vì các clip rất ngắn nên có thể lướt liên tục mà không mang lại cảm giác chán, khi bạn nhìn vào đồng hồ thì mới nhận ra mình đã online vài tiếng rồi,…

Tiktok hiện tại cũng đã hỗ trợ quảng cáo cho các nhà quảng cáo tại Việt Nam, bạn có thể tìm hiểu nếu đối tượng khách hàng của bạn là thế hệ Z – các mầm non tương lai của đất nước.

Nghe như vậy thì có thể bạn sẽ cảm thấy Tiktok phù hợp với các doanh nghiệp B2C hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên với các doanh nghiệp B2B nếu có các sản phẩm phù hợp có thể sử dụng Tiktok bằng cách tự tạo trend.

Chẳng hạn bạn chuyên sản xuất một sản phẩm gì đó cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm cho giới trẻ, bạn có thể tạo trend trên Tiktok. Khi thành trend, nhu cầu về mặt hàng sản phẩm đó sẽ tăng, và bạn sẽ hưởng lợi ích từ điều này.

Key points

Đó là một số các mạng xã hội phổ biến hiện nay. Còn rất nhiều các mạng xã hội khác với những đặc thù đặc biệt như: Linkedin, Snapchat,… Mình sẽ tổng kết lại những key chính về các mạng xã hội:

  • Tất cả những gì mình viết bên trên là những hiểu biết của cá nhân mình thôi. Các doanh nghiệp có thể vận dụng sáng tạo theo cách sáng tạo của mình. Chưa ai làm không có nghĩa là không thế làm.
  • Khi mới bắt đầu hay chọn 1,2 mạng xã hội mà bạn nghĩ là phù hợp nhất với Doanh nghiệp mình để triển khai tập trung trước thay vì dàn trải ra nhiều mạng xã hội khác nhau. Đặc thù của mạng xã hội là càng đông, tương tác càng mạnh, phát triển sẽ càng nhanh. Tập trung xây một kênh youtube 10k subscribes sẽ tốt hơn là dàn trải 3,4 kênh lèo tèo với một vài trăm người theo dõi.
  • Các doanh nghiệp B2B cũng hoàn toàn có thể áp dụng thành công các mạng xã hội nếu biết vận dụng đúng cách.
  • Điểm chung của mạng xã hội là đều có quảng cáo, phát triển tự nhiên. Ban đầu có thể sử dụng quảng cáo như là đòn bẩy, nhưng mục tiêu chính vẫn là xây dựng nội dung chất lượng có ích với người dùng thì mới phát triển được lâu dài và chi phí thấp.
  • Đừng biến trang mạng xã hội của mình thành trang rao vặt với toàn các bài đăng bán sản phẩm, không người dùng nào muốn theo dõi một trang không mang lại lời ích gì mà chỉ quảng cáo về bản thân.
  • Luôn nhớ gắn các mã theo dõi để lưu đối tượng khách hàng (với Facebook là Pixel, với Youtube – Google là mã tiếp thị lại)
  • Tận dụng những KOLs, Influencers phù hợp để tăng lượng tiếp cận và tạo thiện cảm từ các fan của họ.
  • Mạng xã hội là nơi tuyệt vời để bạn kết nối, nhận phản hồi từ khách hàng. Tiếng tốt đồn xa, tiếng xấu thì đồn vừa xa vừa nhanh. Vì vậy, hãy làm nó cho thật tốt!

Đừng đùa với cộng đồng mạng, một con ruồi cũng có thể khiến doanh nghiệp thiệt hại bạc tỷ thậm chí là phá sản

Sàn Thương mại điện tử (Tiki, Shopee, Lazada, Sendo,…)

Sàn TMĐT hiện đang là cuộc chiến đốt tiền của các ông lớn. Mỗi Sàn TMĐT sẽ có một chiến lược kinh doanh, quảng bá khác nhau. Mục tiêu hiện tại của họ là kéo càng nhiều người dùng càng tốt nên họ bỏ ra không tiếc tiền để quảng cáo, khuyến mãi, miễn phí vận chuyển.

Trong cuộc chiến này, đối thủ nào không đủ sức sẽ bị loại ra khỏi cuộc chiến, rất nhiều sàn TMĐT sau một thời gian không trụ được đã lùi vào dĩ vãng mà gần đây nhất là Adayroi, hay sự sát nhật của Sendo và Tiki, hoặc phải bán mình như Lazada.

Người được lợi nhất cho sự cạnh tranh này chính là những người dùng mua hàng khi liên tục được mua hàng với giá rẻ, Big Sale, vận chuyển miễn phí.

Chính vì vậy, sàn thương mại điện tử gần đây đang là xu hướng không thể bỏ qua dù bạn là cá nhân bán hàng, shop nhỏ hay doanh nghiệp.

Ở đâu có khách hàng, chúng ta ở đó!

Đây sẽ nơi chúng ta tiếp cận Khách hàng một cách dễ dàng bởi lượng người truy cập đổ về các trang TMDT là rất lớn. Các trang TMDT đều đổ tiền vào Remarketing nhiều nên khi khách hàng đã xem sản phẩm của chúng ta trên đó sẽ được bám đuổi ở mọi nơi để tăng tỉ lệ mua hàng.

Bạn có thể bán sản phẩm trên trang TMDT nào mà mình muốn, hoặc tất cả các trang cũng được, miễn là thấy nó phù hợp. Việc đăng ký cũng rất đơn giản, bạn chỉ cần đăng ký bán hàng trên Website của họ. Nhân viên chăm sóc sẽ hỗ trợ bạn rất nhiệt tình và còn tư vấn cho bạn các cách thức giúp bạn bán hàng tốt hơn trên đó nữa.

Theo mình đánh giá, bán hàng trên các sàn TMĐT vẫn phù hợp với các Doanh nghiệp B2C nhiều hơn.

Tuy nhiên, bạn phải hiểu rằng bạn đang bán nhờ trên nhà của họ nên cần phải tuân thủ các luật chơi của họ. Và đôi khi sẽ phải chịu đựng những “ấm ức” cho mình, cũng mất đi tính chủ động.

Mình cũng đánh giá thời điểm hiện tại do khuyến mãi, miễn phí vận chuyển nhiều nên lượng khách hàng đông, nhưng các sàn không thể đốt tiền mãi được, đến một giai đoạn họ sẽ cần phải thu lợi nhuận, khi đó lượng người mua hàng chắc chắn sẽ giảm đi.

Key Points

  • Sàn TMDT là kênh giúp bạn tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng với traffic lớn của sàn.
  • Đánh giá của khách đã mua trên sàn là yếu tố cực kỳ quan trọng. Hãy khuyến khích khách hàng đánh giá bằng những trải nghiệm tốt hoặc phần quà. Xử lý tốt các đánh giá xấu.
  • Có thể tận dụng các gói quảng cáo trả phí của sàn để tăng hiệu quả.
  • Tối ưu thông tin sản phẩm để đạt thứ hạng cao khi người dùng tìm từ khóa tại ô search trên sàn.
  • Không nên quá phụ thuộc vào các sàn TMĐT.

Vì vậy, hãy coi sàn TMDT là một kênh tiếp cận khách hàng, đừng quá phụ thuộc vào nó. Luôn luôn phải nghĩ cách để kéo khách hàng về với sân nhà của mình thì bạn mới có thể đi đường dài và luôn chủ động được.

Chẳng hạn như việc tận dụng các sàn TMDT, bán giá thấp để thu hút khách hàng và lấy data của họ. Khi đó, bạn dùng data đó để quảng cáo, bán chéo các sản phẩm khác trên cùng một đối tượng khách hàng chẳng hạn. Như vậy, sẽ tối ưu được lợi nhuận cho bạn.

Vậy “sân nhà” mà mình muốn nói đến ở đây là gì?

Website

Đây là một kênh mình cực kỳ thích và đánh giá nó rất rất rất… ( n lần “rất”) quan trọng dù bạn là doanh nghiệp, cá nhân, B2C, B2B cũng đều cần phải có.

Đây chính là “sân nhà” mình muốn nói đến. Mình thường ví Website như cửa hàng của bạn, còn Mạng xã hội, sàn TMĐT như là sản phẩm của bạn được bày bán ở siêu thị vậy.

Không thể nói rằng nên làm kênh nào hơn kênh nào, vì với những người làm kinh doanh mà nói thì quan trọng là kênh nào mang lại hiệu quả, và sử dụng sao cho hợp lý mà thôi. Mình không nói bạn phải làm Website và bỏ bê những kênh khác như mạng xã hội, sàn TMĐT.

Trái ngược lại, chúng bổ trợ lẫn nhau. Rất nhiều các kênh quảng cáo sẽ tốt hơn khi bạn có website, và website cũng có thể hỗ trợ tăng bạn tăng lượng người dùng trên các kênh khác.

Nhưng website khác với các kênh khác là tại đó bạn có thể chủ động mọi thứ từ thiết kế, nội dung, cách thức hoạt động, data khách hàng,… Thực sự, cái trải nghiệm đưa vào những thử nghiệm, tối ưu website luôn mang lại cho mình những cảm giác thích thú. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể học hỏi và vận dụng khi vận hành một Website.

Như Jack Ma có nói thời đại ngày nay đã chuyển từ IT ( Công nghệ thông tin) sang DT ( Công nghệ dữ liệu), website sẽ giúp bạn thu data khách hàng và sử dụng nó trên các kênh truyền thông khác nhau như Facebook, Google,…

Viết về website thì không biết bao nhiêu là đủ, mỗi ngày lại có những điều mới được cập nhật. Vì vậy, mình sẽ chỉ tổng hợp những điều mà mình nghĩ rằng các anh chị chủ Doanh nghiệp cần phải biết. Còn cụ thể hơn làm thế nào anh chị có thể tìm kiếm thông tin nhé!

Có những loại Website nào? 

Với những mục đích sử dụng khác nhau, chúng ta cần các dạng website khác nhau. Mình sẽ phân loại các dạng website và đưa ra kinh nghiệm, gợi ý về cách sử dụng.

Landing Page

Hiểu 1 cách đơn giản thì landing page là một trang đích mà tại đó bạn đưa khách hàng truy cập vào đó nhằm kêu gọi một hành động như mua hàng, đăng ký dùng thử, đặt trước, để lại thông tin,…

Landing Page sẽ giúp bạn tăng tỉ lệ chuyển đổi cao hơn bởi có thể điều hướng cảm xúc của khách hàng nhờ cách sắp xếp nội dung kéo từ trên xuống dưới và các nút kêu gọi hành động hấp dẫn.

Bạn nên đọc bài viết: “Tìm hiểu và tự thiết kế Landing Page hiệu quả từ A đến Z” để có thể thiết kế một Landing Page hiệu quả nhé. Bài viết rất cụ thể mà một người mới bắt đầu cũng có thể làm được nhanh chóng!

Landing Page bản chất là một website nhưng làm đơn giản hơn các loại website khác nhiều bởi cấu trúc đơn giản chỉ với một trang mà không gồm các trang con. Vì vậy, khi nói về landing page mình thường dùng từ website để chỉ các website làm phức tạp hơn landing page.

Landing page sẽ phù hợp khi bạn bán tập trung một sản phẩm, dịch vụ hoặc muốn khách hàng thực hiện một hành động nào đó. Chẳng hạn: landing page bất động sản một dự án nào đó, landing page bán bộ quà tết, landing page tuyển dụng, landing page bán vé hội thảo, landing page ra mắt sách, landing page đăng ký khóa học, landing page để lại thông tin để nhận quà tặng,…

Như mình đã nói ở trên việc làm landing Page sẽ đơn giản hơn website rất nhiều và với những nền tảng kéo thả như Ladipage bạn có thể tự thiết kế và nhân bản cả chục landing page một cách nhanh chóng.

Website thông tin

Website thông tin là những website cung cấp thông tin như giới thiệu công ty, blog, tin tức, thông tin sản phẩm… hoặc bạn cũng có thể kết hợp thành một website vừa giới thiệu công ty, vừa thông tin sản phẩm, vừa tin tức.

Website thông tin thiết kế phức tạp hơn nên sẽ có giá cao hơn landing page. Giá thiết kế sẽ tùy thuộc vào yêu cầu thiết kế của bạn.

Website dạng này nên sử dụng WordPress bởi sự phổ biến và cộng đồng hỗ trợ rất đông nên bạn có thể dễ dàng chỉnh sửa, nâng cấp, thêm tính năng sau này.

Website dạng này phù hợp với hầu hết các doanh nghiệp dù là B2B, B2C, Dịch vụ,… miễn là bạn không cần tính năng đặt hàng trên đó.

Website bán hàng

Khác với website thông tin bên trên, website bán hàng sẽ có thêm tính năng giỏ hàng, đặt hàng hoặc thanh toán trên website.

Website dạng này làm sẽ phức tạp hơn và thường mất nhiều chi phí hơn so với website thông thường. Tùy theo yêu cầu tính năng của bạn mà sẽ có các mức giá khác nhau từ vài triệu, vài chục triệu đến vài trăm triệu,…

Với các website bán hàng đơn giản tính năng có thể chỉ là giỏ hàng, đặt hàng và thông báo đơn hàng thôi.

Nhưng những website bán hàng đa kênh hiện nay còn có những tính năng biến nhiều nhân viên xử lý đơn hàng thành thất nghiệp…Những website này sẽ hỗ trợ bạn xử lý đơn hàng, tồn kho tại các chi nhánh, liên kết đồng bộ với các sàn thương mại điện tử, liên kết tự chuyển đơn hàng đến các bên vận chuyển, quản lý bằng app trên mobile…

Khi những điều này được làm tự động chỉ với vài click mà mang lại chính xác tuyệt đối thì bạn sẽ giảm bớt được rất nhiều nhân viên xử lý đơn hàng theo kiểu thủ công trước kia.

Để hiểu rõ hơn về các nền tảng bán hàng online thông dụng nhất hiện nay bạn có thể đọc bài viết: ” Nên chọn nền tảng nào làm website bán hàng online?” để có lựa chọn phù hợp.

Chi phí cho Website cần những gì?

Điều này có lẽ rất nhiều các anh chị chủ doanh nghiệp quan tâm. Chi phí cho website thường sẽ gồm những chi phí:

  • Tên miền (domain): đây là chi phí để mua tên miền (địa chỉ website) của bạn. Như blog của mình hiện tại là medio.finance. Phí này sẽ trả theo năm. Tùy theo đuôi tên miền là gì mà có các mức giá khác nhau. Chẳng hạn tên miền .com giá khoảng 300k, .vn khoảng 800k cho năm đầu tiên,…
  • Máy chủ, VPS, hosting: để website vận hành và lưu trữ trên Internet bạn cần thuê máy chủ. Máy chủ, VPS, hosting có mục đích sử dụng tương tự như nhau, chỉ khác nhau về hiệu suất và độ lớn. Bạn có thể hiểu như so sánh giữa các phương tiện đi lại có thể là xe đạp, xe máy hoặc ô tô vậy. Hosting rẻ nhất dành cho các website nhỏ, rồi đến VPS (máy chủ ảo), lớn hơn nữa là máy chủ vật lý. Phí này thì tùy độ lớn website của bạn, lượng truy cập mà giá từ vài chục ngàn /tháng trở lên.
  • Phí thiết kế: đây là khoản phí bản trả cho các bên để thiết kế website theo yêu cầu của bạn. Tùy vào yêu cầu của bạn mà các bên thiết kế website sẽ báo giá cho bạn giá thiết kế website. Nếu bạn muốn đầu tư lâu dài thì đừng ham những website giá rẻ. Hãy tìm cho mình những đơn vị uy tín thiết kế.

Đó là với website thông thường, còn với những website hệ thống như Ladipage, Sapo, Haravan,… phí thiết kế, hosting, bảo hành đã được tính chung lại rồi trừ khi bạn có những yêu cầu đặc biệt thôi.

Key points

  • Website là thứ bắt buộc phải có của doanh nghiệp trong thời đại ngày nay.
  • Website là tài sản rất quan trọng của doanh nghiệp, cần được đầu tư nghiêm túc và bảo vệ chặt chẽ.
  • Việc chọn mã nguồn để làm ban đầu rất quan trọng, ảnh hưởng đến việc chỉnh sửa, nâng cấp sau này. Bạn sẽ không muốn vứt bỏ công sức xây dựng nội dung website để làm lại website mới vì nó không thể nâng cấp.
  • Tối ưu, xây dựng website là một chặng đường dài, liên tục. Không phải làm xong rồi để đấy.
  • Một website tốt là sự kết hợp hài hòa của nhận diện thương hiệu, thiết kế, nội dung và trải nghiệm người dùng. Không phải từ ý kiến chủ quan của giám đốc công ty, hãy để người có kinh nghiệm hơn tư vấn cho bạn.
  • 90% truy cập ngày nay đến từ thiết bị di động, website cần tương thích với nhiều thiết bị, giao diện đơn giản và tốc độ tải nhanh.

Nếu bạn muốn mình hỗ trợ tư vấn xem website của bạn đã ổn chưa có thể gửi yêu cầu cho mình ở phần comment nhé. Mình sẽ hỗ trợ check giúp bạn miễn phí thôi.

Bạn có thể đọc thêm bài viết: “Những sai lầm khi thiết kế Website của Startup” để tránh các sai lầm có thể gặp phải (cái tiêu đề startup để câu view thôi chứ doanh nghiệp nào cũng có thể đọc nhé!)

Sau đây là các kênh Digital Marketing của Google, đây là kênh mà hiện tại mình thích nhất & cũng dùng nhiều nhất bởi mang lại hiệu quả cao. Một kênh mà mình nghĩ rằng các doanh nghiệp dù B2B hay B2C cũng nên nghĩ tới đầu tiên. Sở dĩ, mình xếp kênh này ở dưới vì để sử dụng được những kênh này bạn cần phải có Website.

Google Ads

Đây là kênh quảng cáo trả phí của Google trước đây có tên gọi cũ là Google Adwords. Về cơ bản Google Ads sẽ có 2 dạng: quảng cáo tìm kiếm (Google Search) và quảng cáo hiển thị (Google Display Network). Tùy thuộc vào mục tiêu của chiến dịch mà bạn chọn dạng chiến dịch phù hợp.

Google Search ( Quảng cáo tìm kiếm)

Quảng cáo tìm kiếm là quảng cáo hiển thị trên kết quả người dùng tìm kiếm trên Google. Khi bạn tìm kiếm một từ khóa trên Google các kết quả có hiển thị chữ “Quảng cáo” đó chính là quảng cáo tìm kiếm.

Quảng cáo tìm kiếm thường được hiển thị ở 4 kết quả đầu tiên đầu trang và 3 kết quả cuối trang.

Ngoài ra nếu website của bạn là trang bán sản phẩm có thể sử dụng quảng cáo Google Shopping. Khi khách hàng tìm kiếm từ khóa liên quan đến sản phẩm sẽ hiển thị quảng cáo hình ảnh, tên sản phẩm, giá sản phẩm để người dùng tiện click. Hiện tại các nền tảng website bán hàng phổ biến như Woocommerce ( WordPress), Shopify, Sapo, Haravan đều hỗ trợ bạn có thể list sản phẩm lên Google Shopping.

Quảng cáo Google shopping cho doanh nghiệp

Quảng cáo tìm kiếm sẽ hiển thị theo phương thức đấu giá từ khóa, có nghĩa là tại thời điểm người dùng tìm kiếm từ khóa, có nhiều website cùng chạy quảng cáo từ khóa đó, website nào có giá thầu cao hơn, được Google đánh giá tốt hơn sẽ được ưu tiên hiển thị trước.

Lưu ý rằng, giá thầu là một yếu tố quan trọng nhưng không phải là tất cả, Google còn sử dụng rất nhiều các tiêu chí khác nữa. Chẳng hạn website của bạn đặt giá thầu thấp hơn một chút nhưng được google đánh giá là nội dung quảng cáo tốt, website mang lại nhiều lợi ích cho người dùng thì vẫn được xếp cao hơn các website có giá thầu cao hơn nhưng chất lượng kém.

Giá quảng cáo sẽ được tính theo giá mỗi click người dùng nhấp chuột, bạn có thể lựa chọn để Google tối ưu theo nhiều lượt truy cập, nhiều chuyển đổi,…

Ưu điểm:

  • Nhanh: Quảng cáo tìm kiếm sẽ giúp bạn có thể nhanh chóng bán được hàng và kiểm tra được hiệu quả.
  • Hầu hết là người dùng có như cầu nên mới tìm kiếm thông tin.
  • Dễ điều chỉnh ngân sách: bạn có thể dễ dàng điều chỉnh được ngân sách từng ngày, từng chiến dịch, từng giờ,… và tăng ngân sách vào các chiến dịch hoặc từ khóa mang lại hiệu quả cao.
  • Có thể đo lường chuyển đổi như đăng ký, mua hàng, để lại thông tin,…

Nhược điểm:

  • Tốn chi phí và không mang tính lâu dài.
  • Dễ bị các đối thủ chơi xấu bằng cách click ảo.

Quảng cáo hiển thị (Google Display Network)

Quảng cáo hiển thị là quảng cáo dưới dạng banner, video, ảnh, tiêu đề kèm link trên các website đối tác của Google hoặc Youtube.

Với mạng lưới đối tác khổng lồ là các website kiếm tiền bằng cách hợp tác đặt quảng cáo của Google như các trang báo, tin tức, blog,… và Youtube sẽ giúp bạn có thể phủ sóng mọi ngóc ngách của người dùng trên Internet. Điều quan trọng là bạn có đủ ngân sách hay không mà thôi.

Mình thường sử dụng quảng cáo hiển thị để remarketing lại những đối tượng đã truy cập website hoặc thực hiện một hành động nào đó. Như vậy sẽ bám đuổi khách hàng để nhắc họ ra quyết định mua hàng.

Khi chạy quảng cáo hiển thị, bạn nên khoanh vùng càng cụ thể đối tượng khách hàng càng tốt để tránh việc đốt ngân sách mà không đem lại hiệu quả vì GDN gần như bạn bỏ bao nhiêu ngân sách vào cũng sẽ hết.

Điểm bạn cần lưu ý là nên chặn hết hiển thị quảng cáo trên các kênh, website nội dung liên quan đến trẻ em vì sẽ tốn ngân sách rất nhiều vào các click ảo khi các cháu xem video trên Youtube. Đặc biệt, là khi đang được nghỉ trong mùa dịch này!

Google Ads rất thích hợp cho việc bán hàng theo mùa vụ, hoặc chiến dịch ngắn hạn. Kết hợp Google Ads cùng Landing Page rất tuyệt vời!

Tuy nhiên, mình đã nhấn mạnh ở trên, kênh Google Ads rất hiệu quả nhưng không mang tính lâu dài. Bạn không nên phụ thuộc vào nó vì tương lai chắc chắn giá thầu sẽ cao dần lên do cạnh tranh ngày càng cao.

Vì vậy, hãy xem Google Ads như là một kênh giúp bạn nhanh chóng có thể bán hàng hoặc thử nghiệm hiệu quả. Mục tiêu lâu dài của chúng ta là có kết quả tìm kiếm tự nhiên (miễn phí) trên Google, đó là điều bạn phải luôn ghi nhớ hướng tới nếu muốn Doanh nghiệp phát triển lâu dài trong môi trường online.

Google SEO

SEO ( Search Engine Optimize) là tối ưu công cụ tìm kiếm. Có nhiều trang tìm kiếm khác nhau, nhưng mạnh nhất, phổ biến nhất vẫn là Google.

Trước đây, khi chúng ta muốn tìm hiểu hoặc đặt một câu hỏi nào đó, cần phải tìm từ tài liệu sách vở, nếu không thì phải đi hỏi người có kinh nghiệm. Còn giờ đây, chúng ta chỉ việc lên Google tìm kiếm là sẽ có câu trả lời cho mình.

Cái gì không biết thì tra google

Thậm chí giờ chúng ta còn không cần vào trang Google.com mà chỉ cần gõ ngay từ khóa trên thanh trình duyệt là tự động chuyển đến Google. Thậm chí giờ chúng ta còn chẳng cần gõ chữ, chỉ cần tìm kiếm bằng giọng nói, câu trả lời sẽ hiện ra trước mắt bạn.

Khác với Google Ads khi người dùng tìm kiếm kết quả của SEO sẽ là kết quả tự nhiên, không có dòng chữ “quảng cáo” trên kết quả. Bạn cũng không phải (và cũng không thể) trả tiền cho Google để được hiển thị kết quả.

Có phải chính bạn khi mua gì, tìm kiếm điều gì cũng đều nghĩ đến Google đầu tiên đúng không? Vì vậy, Google SEO là kênh khai thác rất lâu dài cho các Doanh nghiệp, nếu bạn phát triển được kênh này thì lượng khách hàng bạn tiếp cận được là rất lớn.

Dù là doanh nghiệp B2B, B2C, Bán lẻ, Dịch vụ, Thẩm mĩ, Nha khoa, Thông hút bể phốt,…cũng đều có thể khai thác tốt Google SEO.

Ưu điểm:

  • Kết quả tự nhiên nên được người dùng tin tưởng hơn kết quả trả tiền.
  • Không cần phải trả tiền cho Google.
  • Khi một từ khóa lên top nhiều từ khóa dài hơn hoặc liên quan cũng có cơ hội lên top cao hơn.
  • Không giới hạn số lượng click: vì không phải trả tiền cho Google nên từ khóa các nhiều người lượt tìm kiếm bạn càng tiếp cận được nhiều Khách hàng hơn.
  • Có thể khai thác lên dài: Khi đã lên top bạn chỉ cần duy trì để giữ website của mình trên top thì bạn sẽ có nguồn khách hàng lâu dài, ổn định.

Nhược điểm:

  • Thời gian chờ đến hiệu quả lâu.
  • Yêu cầu nhiều kiến thức chuyên môn.
  • Khó lên thứ hạng cao với các từ khóa cạnh tranh.

Với những đặc điểm trên, mình nghĩ các doanh nghiệp nên làm SEO là những doanh nghiệp đã hoạt động ổn định, vận hành tương đối tốt, cũng đang có các kênh khác để bán hàng rồi mà không phải phù thuộc chỉ chờ vào hiệu quả SEO.

Vì để SEO có hiệu quả cần một thời gian dài, doanh nghiệp mới vốn ít có thể chưa chờ được đến khi SEO hiệu quả thì đã phá sản rồi.

seo là 1 kênh tiếp cận khách hàng tốt nhưng đừng thần thánh nó

Bạn cũng nên bắt đầu với Google Ads Search trước để mang lại hiệu quả sớm và biết được từ khóa nào sẽ hiệu quả để có kế hoạch SEO từ khóa đó.

Để website của bạn “lên top Google” – nghĩa là được hiển thị trên những kết quả đầu tiên trên Google bạn cần tối ưu Website thật tốt để Google đánh giá là có ích cho người dùng thì sẽ được ưu tiên hiển thị.

Google có cả trăm chỉ tiêu đánh giá để quyết định thứ hạng của từ khóa cho website của bạn và liên tục được cập nhật.

Vậy website thế nào được gọi là tối ưu? Có rất nhiều yếu tố từ kỹ thuật, nội dung, các liên kế bên ngoài,…sẽ khiến bạn “tẩu hỏa nhập ma”. Mình thấy rất nhiều các chủ Doanh nghiệp bỏ tiền ra đi học các khóa học SEO nhưng về vẫn chẳng nắm được cái gì mà triển khai, được học mấy cái tips, trick của các trung tâm dạy về áp dụng linh tinh mà không hiểu bản chất của vấn đề, rất lãng phí tiền bạc & công sức…

Mình không có vấn đề gì với các trung tâm, nhưng trong một khóa học ngắn ngủi bạn không thể hấp thụ hết những kiến thức cần biết. Đặc biệt, trong SEO có rất nhiều thuật ngữ về kỹ thuật liên quan nữa.

Không phải ngẫu nhiên mà tồn tại nghề SEO. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp hãy chuyên tâm vào công việc của mình để phát triển công ty và để việc SEO cho những người có chuyên môn hơn để làm.

Mình sẽ đưa ra 2 định hướng dành cho các doanh nghiệp để phát triển SEO. Bạn có thể tham khảo để có lựa chọn phù hợp với doanh nghiệp nhé!

Tự SEO ( in-house team)

Các doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức tự xây dựng team SEO trong doanh nghiệp của mình nếu muốn chủ động trong việc làm SEO.

Mình thấy nhiều doanh nghiệp làm điều này bằng cách tuyển dụng các bạn viết bài trên website, việc này sẽ phù hợp các doanh nghiệp nhỏ, ngân sách ít và chỉ có thể làm với các từ khóa không quá cạnh trạnh và lượt truy cập ít. Nếu không bạn sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp làm SEO chuyên nghiệp hơn.

Với các doanh nghiệp có ngân sách lớn hơn mà muốn xây dựng môt team làm SEO chuyên nghiệp thì ít nhất nên tuyển một leader có trình độ cao về SEO để có thể định hướng, phân công nhiệm vụ, và kiểm soát các bạn viết bài, đi link,…

Bởi vì SEO là một quá trình lâu dài không phải tính bằng tháng và năm chứ không phải hiệu quả ngay tức khắc nên nếu không có định hướng mà đi sai đường thì bạn đã mất rất nhiều chi phí đầu tư rồi. Đôi khi còn phải đập bỏ hết cái cũ đi vì team cũ đi sai đường vi phạm các chính sách của Google nên bị phạt.

Mình tin rằng chắc chắn không doanh nghiệp nào muốn vậy cả. Một điều nữa là thường thì tuyển dụng các nhân viên dạng này để tuyển được người sẽ rất khó vì thường giỏi một chút họ sẽ tự kinh doanh riêng, hoặc làm tại các doanh nghiệp lớn chịu chi đầu tư cho SEO thay vì các doanh nghiệp nhỏ.

Với các doanh nghiệp nhỏ muốn tự làm SEO mình nghĩ nên tập trung vào các từ khóa ngách, xây dựng nội dung của trang sản phẩm, các bài viết có ích cho khách hàng ( đi vào chất lượng thay vì số lượng)

Chi phí tính ra cho một team in-house cũng không phải là rẻ tuy nhiên bạn sẽ được chủ động hơn trong công việc.

Thuê Agency SEO

Đây là giải pháp được rất nhiều Doanh nghiệp chọn lựa, mang tính chuyên môn hóa cao hơn. Chủ doanh nghiệp cũng có thể tập trung vào phát triển lợi thế của doanh nghiệp của mình hơn là mất thời gian tìm hiểu, đầu tư vào xây dựng một team SEO.

Như mình đã nói ở trên việc xây dựng một team SEO không hề đơn giản bởi những vấn đề liên quan đến kết quả cần thời gian dài, kỹ thuật và khó khăn trong tuyển nhân sự giỏi. Nên rất nhiều các doanh nghiệp thuê các Agency tư vấn và triển khai SEO. Dù sao SEO Google cũng chỉ là một kênh tiếp cận khách hàng chứ không phải là kênh duy nhất, doanh nghiệp sẽ tập trung vào vận hành, chăm sóc khách hàng, phát triển sản phẩm tốt hơn.

Việc thuê Agency có lợi ích là bạn sẽ được tư vấn định hướng làm SEO để có hướng đi đúng ngay từ đầu, khi triển cũng sẽ được cam kết hiệu quả, tránh việc lãng phí không ra kết quả khi tự làm SEO.

Tuy nhiên, việc lừa đảo, cam kết bừa bãi rồi không đạt hiệu quả, bùng tiền cũng thường xuyên xảy khi bạn thuê SEO. Đặc biệt, là khi thuê các freelancer, các công ty SEO nhỏ với giá rẻ.

Vậy làm sao để lựa chọn một đơn vị SEO Website tốt?

  • Tư vấn có tâm

Một đơn vị có tâm sẽ tư vấn giải pháp tốt nhất cho khách hàng, không phải tìm mọi cách để chốt sale bằng mọi cách. Mình rất dị ứng với kiểu tư vấn vẽ ra một màu hồng cho khách hàng, cam kết là SEO xong anh chị đảm bảo có khách hàng các thứ. SEO chỉ giúp có người truy cập website thôi, còn bán hàng được hay không là ở nội dung website, sản phẩm, chốt sale của doanh nghiệp.

  • Định hướng SEO bền vững.

Trường phái SEO bền vững là trường phái SEO tập trung vào trải nghiệm người dùng, cung cấp nội dung giá trị cho những người truy cập website của bạn. Đây chính điều mà Google muốn, gốc rễ luôn là mang lại lợi ích cho khách hàng. Khi bạn làm theo cách SEO này thì sẽ không lo bị Google phạt hay biến mất khỏi top mỗi khi Google cập nhật thuật toán.

Hãy tránh những SEOer theo kiểu bắn backlink, tips, tricks nhiều. Điều này có thể giúp website của bạn leo top nhanh nhưng không bền vững. Cái bạn cần ở SEO là có thể phát triển bền vững.

  • Kinh nghiệm với các dự án trong cùng lĩnh vực.

Nếu các Agency đã làm nhiều trong lĩnh vực của bạn thì họ sẽ có kinh nghiệm triển khai tốt hơn như nội dung, hiểu thị trường,…

  • Uy tín

Hãy luôn ưu tiên chọn các doanh nghiệp uy tín hơn là giá cả để tránh mất tiền mà không mang lại kết quả.

Hy vọng với những tiêu chí mình liệt kê ở trên sẽ giúp bạn dễ dàng hơn trong việc lựa chọn đơn vị SEO website. Tuy nhiên, mình hiểu rằng cũng rất khó để bạn đánh giá một đơn vị SEO có tốt hay không trong ngành, đặc biệt là với những doanh nghiệp có ngân sách thấp mong muốn thuê các Freelancer giá rẻ.

Được phân loại trong: