Landing Page là gì? Có nên làm Landing Page không?

Landing Page giờ đây gần như là thứ không thể thiếu trong chiến dịch của các nhà quảng cáo nhờ tính năng dẫn dắt khách hàng, chốt sale hiệu quả của nó.

Nếu bạn cần định nghĩa “Landing Page là gì?” thì có thể search Google. Mình thì nghĩ không cần đọc các định nghĩa học thuật làm gì cho mất thời gian, nôm na thì bạn có thể hiểu đó là 1 trang đích để bạn đẩy khách hàng truy cập vào đó và kêu gọi một hành động như: Mua hàng, Đăng ký dùng thử,…

Bạn nên đọc bài viết: “Tìm hiểu và tự thiết kế Landing Page hiệu quả từ A đến Z” để có thể thiết kế một Landing Page hiệu quả nhé. Bài viết rất cụ thể mà một người mới bắt đầu cũng có thể làm được nhanh chóng!

Nếu bạn vẫn đang bán hàng theo kiểu đếm comment Facebook, đếm Messenger, thì hãy ngay lập tức tìm hiểu thêm về Website, Landing Page để triển khai nhé. Cơ hội lớn để giúp bạn kiếm thêm nhiều tiền hơn đấy!

Ưu điểm của Landing page là sẽ giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi. Trong cái thời đại mà 1,2 click là mất bát phở thì bạn cần tối ưu công cụ kinh doanh để mỗi tương tác của khách hàng có tiềm năng mua hàng cao hơn.

Đặc biệt là trong những dịp đặc biệt như Tết, Valentine, Ngày lễ,…chúng ta cần khách hàng quyết định mua hàng trong thời gian ngắn thì landing page sẽ là một công cụ cực kỳ hữu dụng. Đã có rất nhiều các case study cực kỳ thành công về bán hàng mùa tết, mùa valentine sử dụng landing page rồi.

Tăng tỉ lệ chuyển đổi với Landing Page

Vì sao Landing page có thể giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi?

  • Điều hướng cảm xúc Khách hàng dễ dàng hơn bởi nội dung sẽ trải dài từ trên xuống dưới và bạn có thể tính toán bố trí các nội dung để kích thích Khách hàng. Nó như khi bạn tán một cô gái nếu làm đủ các bước để chạm đến cảm xúc thì dễ dàng đổ hơn vậy.

Nhiều trò hay ho bạn có thể làm với Landing Page lắm đấy. Khách hàng cũng sẽ tập trung vào nội dung của sản phẩm, dịch vụ hơn là phân tán sự tập trung bởi những nội dung khác.

  • Nội dung trình bày đa dạng với hình ảnh, nút kêu gọi hành động như Đăng ký, Điền Form, Mua hàng, Gọi điện,…
  • Đo được tỷ lệ chuyển đổi nên kiểm soát dễ dàng nguồn khách hàng từ đâu nhiều nhất, từ nền tảng quảng cáo nào: Facebook, Google Ads, hay SEO,… Quảng cáo nào mang lại tỉ lệ chuyển đổi cao nhất.

Điều này rất có ích, thay vì nhìn vào giá tương tác, bình luận, click tuy rẻ nhưng không mang lại lợi ích về kinh tế, bạn sẽ tập trung được vào những chiến dịch mang lại hiệu quả hơn. Các cụ đã nói có 20% người truy cập mang lại 80% doanh số cho bạn. Mình không nhớ là cụ nào nói nhưng các cụ nói thì không có sai đâu. Yên tâm!

  • Chủ động sử dụng được data Khách hàng. Cái này thì mấy bài viết về bán hàng bài nào mình cũng nhai lại cái khoản data Khách hàng này.

Dù bạn thấy nhàm nhưng mình vẫn phải nói: Quảng cáo Facebook, Instagram, bất cứ mạng xã hội hay kênh quảng cáo nào là bạn đang chơi trên sân của họ nên họ quyết định luật chơi, quyết định cho bạn chơi hay nghỉ.

Chỉ có Website mới là sân chơi của bạn và bạn được quyền quyết định. Vì vậy, data Khách hàng của bạn trên Facebook, FB sẽ tùy ý sử dụng, bạn cũng chỉ có thể sử dụng data Facebook để chạy Facebook mà thôi.

  • Cũng đừng quên rằng, FB có data của bạn và data đấy cũng được họ sử dụng để tối ưu quảng cáo cho đối thủ của bạn. FB mất dạy lắm. Tuy kiếm tiền được từ nó thật, nhưng mà nó càng muốn đông nhà quảng cáo cạnh tranh nhau, đổ tiền vào, giá thầu càng cao nó càng sướng thôi.

Bạn quảng cáo quần áo, khách hàng của bạn quan tâm. Lập tức sẽ có hàng tá các bên quần áo khác cũng hiển thị trên newsfeed, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của Khách hàng (đặt rồi có khi còn không nhận vì sau đấy tìm được bên khác) .

Còn khi dẫn khách hàng về Website (ở đây là Landing page) bạn có thể gắn mã pixel, mã theo dõi các kênh khác để có thể sử dụng data của mình. Với kinh doanh thời đại 4.0 này, data là điều cực kỳ, cực kỳ quan trọng.

Mình viết những điều này để khẳng định rằng việc bạn đang tìm hiểu về landing page là hoàn toàn đúng đắn. Việc cần làm là giờ bắt tay vào hành động thôi. Mọi ý tưởng sẽ chỉ là ý tưởng nếu không được thực hiện phải không?

Vậy giờ thiết kế Landing Page ở đâu?

Khi tiến hành làm landing page bạn sẽ đứng giữa 2 lựa chọn đó là thuê code ngoài và làm trên các nền tảng hỗ trợ kéo thả.

Nếu bạn không có gì ngoài tiền thì có thể thuê code ngoài. Tuy nhiên giờ mình thấy giải pháp này không được tối ưu lắm vì chi phí tương đối cao. Bởi vì, chắc chắn khi bắt đầu chiến dịch bạn không chỉ thiết kế 1 landing mà còn phải nhân bản ra nhiều landing để phù hợp với các đối tượng khách hàng với nhau.

Ví dụ: Khách hàng tìm kiếm thuốc trĩ nội bạn cần dẫn khách hàng về Landing page thuốc trĩ nội chứ không phải một trang lẫn lộn cả thuốc trĩ nội hoặc trĩ ngoại.

Hoặc cụ thể hơn nữa với khách hàng tìm kiếm giá thuốc trĩ nội (quan tâm về giá) thì bạn sẽ đưa phần landing page đưa thông tin về giá lên đầu), nếu khách hàng tìm kiếm triệu chứng bị trĩ ( đang muốn tìm hiểu xem đúng mình có triệu trứng bị trĩ không) thì phần triệu chứng sẽ được đưa lên trên đầu trang.

Tóm lại nhiệm vụ của bạn là đưa khách hàng về trang đúng nhu cầu quan tâm của họ, khi thấy đúng thứ mình đang quan tâm thì tỉ lệ họ đọc tiếp sẽ cao hơn rất nhiều đấy.

Nên tiềm năng bạn bị coder thịt nhiều tiền là rất cao vì phải làm nhiều landing khác nhau, vẫn mất tiền hosting để chạy landing (nếu bạn chưa biết thì bình thường thuê code ngoài thì tiền code website riêng, còn tiền hosting, máy chủ để chạy website riêng nhé.)

Nói chung có người phục vụ, support tận răng chắc chắn là sẽ sướng hơn. Những tính lại thì mình vẫn có cách để bạn được phục vụ tận răng, vẫn phê mà chi phí lại rẻ hơn. Đọc tiếp nhé. hihi

Thiết kế Landing page bằng các nền tảng kéo thả

Để  đơn giản cho việc chỉnh sửa và nhân bản bạn có thể sử dụng các nền tảng kéo thả mà không cần biết đến code. Sau đây mình sẽ đánh giá những nền tảng nổi bật giúp bạn làm Landing page với dạng kéo thả đơn giản.

Thiết kế Landing Page bằng WordPress

Đây là giải pháp mà hiện tại mình vẫn đang sử dụng vì đã quen sử dụng WordPress và đơn giản vì mình thích có Website riêng của mình.

Và trên máy chủ của mình chạy đang chạy nhiều website khác nữa nên đưa thêm vài cái landing page nữa vẫn chạy chọn mà lại tiết kiệm được chi phí. Mình đăng ký cái máy chủ Vultr 1 GB khoảng 5$/tháng, cài đặt và tối ưu là đặt được vài cái website trên đấy. (con nhà nghèo mà, chịu khó dùng tay chân để tiết kiệm tiền thôi.hehe)

WordPress hiện tại có lẽ là nền tảng Website được sử dụng rộng rãi nhất với tính đa năng và cộng động hỗ trợ cực lớn. Với wordpress bạn có thể đủ thứ từ: Blog, Tin tức, Thương mại điện tử, Forum, Khóa học online,… và Landing Page nữa.

Có khá nhiều các Plugin trên WordPress để hỗ trợ bạn làm một Landing Page với chỉ các thao tác kéo thả (bạn sẽ chỉ cần biết code nếu muốn nhiều phần tùy biến hơn cho Landing Page của mình). Tuy nhiên bạn vẫn cần biết cơ bản những thứ cơ bản đế cài đặt wordpress như: Hosting, Database, File Manager, cài đặt Themes, Plugin, SSL và tối ưu tốc độ, SEO cho Landing Page của mình.

Nói thật là mấy cái khoản này cũng ngốn nhiều thời gian của mình phết. Làm nhiều rồi mà tối ưu mãi cái trang tốc độ nó mới tạm tạm một tý.

Visual Composer ( WPBakery Page Builder )

Đây là một plugin đã từng làm mưa làm gió một thời với lượng themes hỗ trợ khổng lồ. Có một thời gần như mình thấy themes nào cũng sử dụng Visual Composer.

Vì vậy số lượng người sử dụng Visual Composer là rất lớn với khoảng 2.000.000

Chính vì vậy nên Visual Composer hỗ trợ rất nhiều các Addons. Khi mình add thêm các plugin khác nhau như tạo form, hiển thị hình ảnh thì Visual Composer đều hỗ trợ hết.

Tuy nhiên, có một vấn đề là Visual Composer khá nặng nên mình thấy khi chỉnh sửa hoặc tốc độ load trang của Website sẽ tương đối chậm. Chính vì điểm yếu này mà sau khi một số plugin dạng kéo thả mới ra đời khiến Visual Composer ít được sử dụng đi rất nhiều. Bởi các plugin mới nhẹ hơn, tối ưu hơn và đa phần đều có live editor ( chỉnh sửa trực tiếp trên trang)

Có lẽ vì muốn một nâng cấp toàn diện và khách hàng không bị ấn tượng xấu từ Visual Composer nên đội dev của họ đã tung sản phẩm với cái tên hoàn toàn mới WPBakery Page Builder với các cập nhật mới hợp với xu thế hơn, nhẹ hơn để có thể cạnh tranh với các plugin mới.

WPBakery hiện tại cũng đã nhẹ và nhanh hơn trước khá nhiều. Đặc biệt với ưu điểm nổi bật là tương thích với rất nhiều themes.

Giá của Plugin này là: $45 cho 1 website duy nhất.

Nếu themes của bạn đang sửa dụng WPBakery thì bạn có thể sử dụng nó để làm Landing page. Còn nếu chỉ để làm landing page thì mình khuyên mọi người không nên sử dụng bởi có những Plugin hỗ trợ tốt hơn rất nhiều.

Elementor

Đây chính là một trong những Page Builder đã khiến Visual Composer đánh mất vị trí độc tôn của mình.

Elementor hỗ trợ cực kỳ mạnh mẽ bởi nó có thể kéo thả và chỉnh sửa được cả header và footer nên bạn có thể dùng Elementor để xây dựng cả một Website chứ không chỉ là một trang con.

Đánh giá của cá nhân mình thì Elementor rất nhẹ, tùy chỉnh mạnh mẽ, tốc độ tải trang khá nhanh, bạn có thể chỉnh sửa và trực tiếp nhìn những thay đổi trên trang. Các setting của các phần tử cũng khá chi tiết và tùy biến sâu nên đáp ứng được rất tốt các yêu cầu khi chỉnh sửa.

Elementor sẽ có phiên bản miễn phí bạn có thể tải về ngay trên thư viện plugin của WordPress. Tuy nhiên bản miễn phí hạn chế khá nhiều tính năng và không sử dụng được thư viện của Elementor – nơi bạn có thể import các phần, các trang trên thư viện có sẵn của Elementor, thư viện rất đẹp và đa dạng.

Elementor được rất nhiều webmaster đánh giá cao bởi khả năng tùy biến cao và rất nhanh. Tuy nhiên bản thân mình ít sử dụng Elementor bởi mình nó không có liên kết với các plugin tạo form như Gravity, Ninja Form,… Dùng form gốc của Elementor thì hơi ít tính năng. Tuy nhiên nếu landing page của bạn chỉ cần những form bao gồm các trường cơ bản thì Elementor hoàn toàn ok.

Thrive Architect

Đây chính là plugin mình thường sử dụng để làm Landing page bởi những lý do:

  • Nhanh, nhẹ tương tự như Elementor, các tính năng mình thấy cũng tương đương Elementor
  • Trình sửa cảm nhận của mình là trực quan hơn Elementor. Ngay cả phần chỉnh Padding cũng được thiết kế rất trực quan với các phần định hướng kéo thả để chỉnh khoảng cách khi nào bạn thấy vừa mắt là được.
Thiết kế Landing page bằng ladipage
  • Có thể tùy chỉnh giao diện máy tính, điện thoại, máy tính bảng riêng biệt. Bạn sẽ rất hay gặp các trường hợp để một khoảng cách trên máy tính cân và rất đẹp rồi. Nhưng trên điện thoại nó lại biến thành khoảng cách quá xa. Với Thrive Architect bạn có thể tùy biến giao diện trên điện thoại và desktop riêng được.
  • Các Plugin cùng mẹ hỗ trợ đặc biệt tốt cho Landing Page để tăng chuyển đổi.
Thiết kế Landing page bằng Thrive Architect

Ngoài Thrive Architect, Thrive còn có những plugin khác giúp bạn tăng chuyển đổi rất tốt như:

Thrive Leads để xây dựng data danh sách Email, tùy biến các nguồn data về đúng danh sách email, hiển thị popup khá đẹp,…

Thrive Quiz Builder xây dựng các câu hỏi khảo sát trên Website. Chẳng hạn như bạn muốn hỏi độc giả rằng họ thích nội dung nào trên website của bạn, hoặc xây dựng 1 bộ câu hỏi vui để thu thập email. Chẳng hạn bạn làm 1 bộ câu hỏi về “Bạn có phải là một Digital Marketer chuyên nghiệp hay không?” Sau đó, người dùng sẽ phải nhập email để nhận câu trả lời. Vậy là bạn đã có data của những Digital Marketer rồi phải không?

Thrive Ultimatum tạo các chiến dịch đếm lùi thời gian Evergreen. Ultimatum sẽ giúp bạn đánh vào tâm lý FOMO ( Fear Of Missing Out) của người dùng khi truy cập vào landing page của bạn. Như các chương trình khuyến mãi đếm lùi thời gian, chẳng hạn bất kỳ người truy cập mới nào cũng sẽ có khuyến mại chỉ trong 3 ngày. Nếu họ truy cập bằng các thiết bị cũ đấy thời gian sẽ vẫn đếm lùi cho họ. Giúp kích thích KH đăng ký hơn, nó có nhiều tùy chọn và cách áp dụng khác nhau tùy thuộc vào tính huống.

Thrive Ovation thu thập và hiển thị nhận xét, đánh giá của khách hàng, cái này hữu ích với các landing page có nhiều người truy cập và người dùng thích đánh giá, comment. Bản thân mình toàn fake comment nên không sử dụng plugin này nhiều.

Thrive Comments  tạo, quản lý comment, giúp người dùng dễ dàng comment hơn và tạo cảm hứng hơn cho việc comment.

Thrive Optimize giúp bạn A/B testing landing pages ( tức là thử nghiệm các landing page để biết landing page nào hiệu quả)

Thrive Clever Widgets tùy biến hiển thị các widgets theo danh mục, theo tag,… nó sẽ giúp bạn hiển thị các banner quảng cáo, newsletter, nội dung đúng với người dùng hơn. Chẳng hạn bạn vào danh mục review sách, thì sẽ có banner quảng cáo sách, hoặc form thu thập email để theo dõi các thông tin chỉ về sách thôi.

Tuy nhiên Thrive có điểm yếu là các elements không quá đa dạng và không có nhiều add-on

Các Page Builder khác

Ngoài ra còn có các Page Builder khác như Beaver, Divi,… Tuy nhiên, những plugin này ít phổ biến hơn và mình cũng chưa sử dụng nên không có đánh giá gì.

Mình cũng hay sử dụng  themes Landing Page có sẵn với vài trăm Demo ở các lĩnh vức khác nhau như Bridge để làm landing page khá nhanh. Đôi khi chỉ cần chỉnh sửa lại nội dung cho phù hợp vì landing page demo họ dựng sẵn cũng khá đầy đủ rồi. Bạn có thể mua themes Bridge với 59$ ( khoảng 1 triệu 3) tại Themeforest nhé!

Thiết kế Landing Page bằng Ladipage

Nếu bạn không biết quá nhiều về kỹ thuật, hoặc không muốn mất nhiều thời gian cho những vấn đề kỹ thuật này thì Ladipage là nền tảng mình thực sự khuyên bạn nên sử dụng.

Ladipage là nền tảng Thiết kế Landing Page đầu tiên tại Việt Nam. Bạn có thể tạo landing page trực tiếp trên nền tảng cũng dạng kéo thả. Bạn sẽ không cần cài đặt code, không cần mua hosting vì landing page của bạn sẽ chạy trực tiếp trên máy chủ của họ. (Ladipage cũng có kết nối đến nền tảng khác nhau như Sapo, Haravan, hay chính WordPress)

Thiết kế Landing page bằng ladipage

Trước đây, việc thiết kế Landing Page sẽ khó khăn hơn, gần như buộc phải dùng wordpress hoặc thuê code ngoài. Nhưng khi Ladipage xuất hiện, nó trở thành nền tảng làm Landing page được rất nhiều các Marketer lựa chọn bởi những lý do:

  • Không cần quan tâm nhiều đến vấn đề kỹ thuật như Hosting, SSL, Cài đặt,…Bạn chỉ việc đăng ký, trỏ tên miền về và kéo thả mà thôi.
  • Tốc độ cực kỳ nhanh, nhiều khi chẳng may chớp mắt lúc ấn chuột thấy trang đã load xong rồi tưởng chưa ấn chuột… Đây là những cái mà Landing Page mình đang tự làm bằng WordPress thấy thua kém so với Ladipage.
  • Tạo Landing page khá nhanh sử dụng kéo thả ( ở phiên bản trước mình  thấy Ladipage kéo thả chưa ngon lắm. Nhưng ở V2 mới ra mắt gần đây, mọi thứ đã ổn hơn nhiều)
  • Rất nhiều Add-on, Elements khác nhau. Ladipage có Founder là anh Bình Nguyễn – sáng lập cộng đồng iSocial, iSEO,…một người rất có tiếng trong cộng đồng Digital Marketing. Đồng thời, anh Bình Nguyễn cũng làm MMO trên thị thường nước ngoài nên hầu hết những trò gì hay ho mình thấy đều được đưa về và cập nhật lên Ladipage. Chẳng hạn như mấy cái trò quay vòng quay trúng thưởng, social proof,…

Trước đây mình cũng từng dùng iTarget và rất nhiều các thể loại “i” khác của anh Bình thấy rất chất lượng và support có tâm.

Thiết kế Landing page bằng ladipage
  • Nhân bản trang Landing page cũng khá nhanh, trong khi bạn đi WC mình có thể nhân bản được cả chục cái rồi (đấy là nếu hệ thống tiêu hóa của bạn bình thường, nếu táo bón thì chắc chắn sẽ nhiều hơn).
  • Cho phép tải Landing page về dưới dạng HTML, xuất bản lên WordPress, Sapo, Haravan, Shopify… Nhược điểm trước đây của các dạng Website hệ thống là không cho phép backup hoặc khi không sử dụng nữa thì không thể lấy được dữ liệu để chuyển sang bên khác dùng. Tuy nhiên, với landing page bạn có thể tải Landing page về hoặc đưa lên các nền tảng khác nhau.
  • Kho ứng dụng, kho giao diện theo thống kê từ Ladipage là khoảng hơn 500+ giao diện, có thể kết nối đến nhiều kênh khác nhau như: Gmail, Google Sheet, CRM, API, Mailchimp,… đặc biệt là dành cho thị trường Việt Nam nên các giao diện, các kênh kết nối rất hữu dụng – đây là điểm mình rất thích vì các nhà cũng cấp nước ngoài không có được điều này!

Chẳng hạn như bạn làm Landing page bất động sản là đã có mẫu sẵn rồi. Bạn chỉ cần import và chỉnh sửa thay thông tin thôi, rất nhanh. Dự án ra hàng, bạn mua tên miền có khi trong ngày là chạy quảng cáo được luôn rồi.

Nếu bạn không có thời gian tự làm, hoặc  không muốn mất thời gian tìm hiểu nền tảng mới (vì mình có tiền mà) thì bạn có thể đăng ký Ladipage và thuê người khác thiết kế trên nền tảng này. Sau muốn nhân bản chỉnh sửa vài các nhỏ rất dễ. Chỉ cần click nhân bản và vào sửa thôi.

Nếu công ty, cửa hàng bạn có nhân viên marketing riêng thì càng tốt. Vì có thể phân quyền để nhân viên vào làm được. Gì chứ mình nghĩ nhân viên marketing thì học làm mấy cái này đơn giản lắm.

Nếu không chịu học thì tốt nhất bạn cho nghỉ và tuyển người mới. Làm Digital Marketing mà không chịu học để cải thiện kỹ năng thì bạn nuôi chỉ tốn cơm mà doanh số ngày càng tụt lùi thôi.

Ngoài ra Ladipage cũng có gói dịch vụ dành riêng có các Doanh nghiệp và các đội nhóm Marketing là Ladipage Enterprise với các tính năng đặc biệt và có sự hỗ trợ từ nhóm các chuyên gia của Ladipage.

Về SEO trên Ladipage thì mình chưa kiểm chứng được, và mình thường dùng cho mục đích quảng cáo nên ít quan tâm đến việc SEO Landing page nhiều nên mình không đánh giá được chi tiết. Ladipage cũng có đầy đủ các phần chỉnh sửa tiêu đề, mô tả, các thẻ để tối ưu SEO, mình thấy tốc độ load cực nhanh cũng là một ưu thế theo đánh giá của Google rồi.

Giá của Ladipage mình thấy cũng ổn vì cũng chỉ tương đường với chi phí bạn thuê hosting thôi. Bạn có thể tham khảo bảng giá Ladipage

Cũng như nhiều nền tảng Website hệ thống khác, Ladipage cũng cho dùng thử 30 ngày miễn phí. Bạn có thể đăng ký dùng thử miễn phí tại đây để thử nghiệm các tính năng xem có phù hợp không nhé!

***Update: Ladipage mới update tính năng A/B testing. Tính năng này sẽ giúp bạn thử nghiệm hiệu quả của các Landing page khác nhau để chọn ra landing page tốt nhất nhằm tối ưu hiệu quả quảng cáo

So sánh Ladipage và WordPress

  • Về chi phí thì giữa Ladipage và WordPress mình thấy sẽ không chênh lệch nhau quá nhiều. Bởi, nếu dùng WordPress bạn cũng sẽ phải mất chi phí duy trì máy chủ hàng tháng, và mất tiền đầu tư mua themes hay plugin.
  • Về tính tiện dụng thì Ladipage mình sẽ đánh giá cao hơn vì cài đặt rất đơn giản, bạn chỉ cần thêm tên miền vào Ladipage là có thể sử dụng được mà thôi. Ladipage cũng đã được tối ưu sản nên bạn sẽ không cần quan tâm đến các vấn đề khác như tối ưu tốc độ, server, code website,…
  • Về tính kết nối với các nền tảng khác thì mình đánh giá WordPress sẽ hơn với lợi thế cộng đồng hỗ trợ đông. Ladipage sẽ có lợi thế một chút hơn ở kết nối với các nền tảng của Việt Nam.
  • Về hỗ trợ khách hàng thì đường nhiên là Ladipage sẽ hơn vì là công ty của Việt Nam nên lợi thế về mặt địa lý và ngôn ngữ. Đồng thời có khá nhiều hướng dẫn và các giao diện có sẵn phù hợp với các sản phẩm tại Việt Nam để bạn có thể sử dụng nhanh chóng.

Bạn có thể đăng ký dùng thử miễn phí Ladipage tại đây

Đó là những kinh nghiệm của mình sau khi triển khai các Landing Page trên các nền tảng khác nhau. Đương nhiên, nó là ý kiến chủ quan vì mỗi người sẽ có nhu cầu và nhìn nhận khác nhau. Bạn đang sử dụng nền tảng nào? Hãy chia sẻ với mình ở bên dưới comment nhé!

Được phân loại trong:

Được gắn thẻ trong:

, , , , ,