Xin chào mọi người, cũng lâu lâu rồi mình không viết bài về Digital Marketing hay theo cách gọi dân dã nhất là “Bán hàng online”.

Đương nhiên Digital Marketing rộng hơn bán hàng online rất nhiều nhưng trong phạm vi bài viết này mình sẽ dùng là bán hàng online để mọi người dễ hiểu nhất vì chúng có quan hệ tương hỗ với nhau.

Để bán hàng online được thì phải dùng Digital Marketing, hay dùng Digital Marketing cũng là để phục vụ cho mục đích bán hàng.

Thường thì khi chúng ta bắt đầu bán hàng online sẽ bị ngợp bởi qua nhiều kênh online để bán hàng.

Nếu có sản phẩm rồi thì không biết bán kênh nào sẽ hiệu quả: Facebook, Google, Instagram, Sàn TMDT,… Thậm chí trong mỗi kênh lại chia thành rất nhiều phương án khác nhau: với Facebook thì nên bán theo Profile hay Quảng cáo, với sàn TMĐT thì nên chọn Shopee, Sendo hay Lazada,…

Nếu chưa có sản phẩm để bán thì loay hoay không biết chọn sản phẩm nào để phù hợp với lợi thế của mình.

Cái vòng quay luẩn quẩn này có thể khiến bạn rối như tơ vò, thậm chí mất niềm tin vào chính bản thân mình.

Yên tâm! Khi bắt đầu mình cũng như vậy. Trong bài viết này, mình sẽ tổng hợp các kinh nghiệm của mình để hỗ trợ bạn để có một hướng đi đúng đắn, hiệu quả nhất.

Bắt đầu nào!

Tìm kiếm sản phẩm tiềm năng

Đương nhiên rồi, muốn bán thì phải có sản phẩm. Nếu bạn đã có sản phẩm để bán rồi thì có thể bỏ qua phần này. Còn nếu bạn chưa có thì hãy tiếp để biết một số tiêu chí để chọn sản phẩm tiềm năng.

Sản phẩm có thể ở dạng hữu hình bán hàng trực tiếp hoặc dịch vụ. Ví dụ như thời trang thì đó là sản phẩm hữu hình, bạn sẽ bán trực tiếp và vận chuyển cho Khách hàng, còn Dịch vụ chẳng hạn như Thiết kế, Bất động sản,…về bản chất bạn đang đóng vai trò là người trung gian tư vấn và hỗ trợ khách hàng mua sản phẩm.

Lời khuyên của mình là đừng trở thành một shop tạp hóa cái gì cũng bán, hãy chọn một ngách nhỏ thôi để bắt đầu bởi vì cạnh tranh sẽ ít hơn, bạn cũng sẽ tìm hiểu sâu về ngách đó hơn thay vì chỉ tìm tìm hiểu lướt qua. Đương nhiên là tìm hiểu sâu hơn sẽ giúp bạn bán hàng hiệu quả hơn.

Một số tiêu chí bạn có thể tham khảo để chọn sản phẩm khi bán online là:

  • Lĩnh vực bạn yêu thích, tìm hiểu trước đó sẽ là một lợi thế.

Nếu bạn có một sở thích trước đó hoặc đã từng làm trong một linh vực trong thời gian dài thì có thể sử dụng ngách đó để bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Nó sẽ rút ngắn thời gian bạn cần để nghiên cứu về sản phẩm, về khách hàng, về đối thủ,…

Chẳng hạn như bạn là một người thích nuôi chó thì có thể bán phụ kiện hoặc thức ăn cho chó, thích nuôi râu có thể bán đồ hỗ trợ mọc râu,…

Nhưng lý do chính mà mình khuyên bạn nên bán hàng trong lĩnh vực bạn yêu thích là bởi vì bạn có thể làm trong thời gian dài, tâm lý sẽ thoải mái không mang áp lực là mình đang làm việc. Đồng thời, bạn sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích cho khách hàng khi bán sản phẩm.

Chẳng hạn như khi bán đồ hỗ trợ mọc râu bạn viết về hướng dẫn, trải nghiệm cụ thể trong quá trình bạn nuôi râu, những bài viết về lý do bạn nên nuôi râu, những hình ảnh đàn ông để râu manly thế nào,…

Hãy nhớ rằng: giữa một rừng đối thủ cạnh tranh, người mua hàng chọn bạn bởi vì bạn giải quyết vấn đề cho họ chứ không phải vì sản phẩm.

  • Sản phẩm có thể dễ dàng vận chuyển.

Điều này áp dụng cho các sản phẩm hữu hình bạn bán trực tiếp cho Khách hàng. Việc dễ dàng vận chuyển sẽ giúp chi phí vận chuyển rẻ, khó bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển và khách hàng cũng dễ mua online hơn.

Bắt đầu bán hàng online

Trên thế giới hiện nay gần như cái gì bạn cũng có thể mua online được từ tivi, tủ lạnh, ô tô, bàn ghế,… Tuy nhiên, đó là dành cho các doanh nghiệp lớn. Bạn là người chập chững bước vào thì mình nghĩ không nên khởi đầu với các sản phẩm như vậy!

  • Dễ phát sinh nhu cầu tìm hiểu online.

Điều này sẽ áp dụng được cho cả sản phẩm hữu hình hay Dịch vụ. Hãy đặt mình là một khách hàng, mặt hàng đó các khách hàng có thường xuyên có nhu cầu tìm kiếm thông  online hay không?

Chẳng hạn như khi mua nhà, khách hàng sẽ tìm hiểu kỹ hơn về dự án trên Google, hoặc vào các hội nhóm rao nhà,…Hoặc như khi bể phốt bị tắc, người dùng sẽ lập tức lên mạng tìm kiếm bên thông hút bể phốt ( đây là lý do khiến giá thầu từ khóa về thông tắc bể phốt rất cao – bằng cả bát phở/ click bởi vì nó phát sinh nhu cầu cấp thiết). Bể phốt bạn đã tắc thì bạn sẽ phải tìm người đến thông nó ngay lập tức)

  • Có thể mở rộng bán thêm các sản phẩm đi kèm.

Điều này sẽ giúp bạn trong tương lai có thể mở rộng quy mô kinh doanh của mình hơn. Chính vì điều này mà nhiều người nói rằng ban đầu bạn nên chọn ngách rộng để có thể phát triển sau này.

Điều này không hoàn toàn đúng. Bởi ban đầu nếu chọn ngách quá rộng bạn sẽ phải đối đầu với các “ông lớn” đã tham gia thị thường trong thời gian dài, có uy tín, tiềm lực kinh tế lớn.

Để giải quyết điều này bạn có thể tìm một ngách siêu nhỏ trong đó để bắt đầu. Lấy ví dụ như khi mình bắt đầu với lĩnh vực rèm cửa ( đã là một ngách nhỏ trong nội thất) thì mình sẽ bắt đầu với ngách siêu nhỏ hơn là chuyên về các sản phẩm rèm thêu tay, rèm voan.

Vừa có thể thế bắt đầu với chi phí nhỏ, vừa để lại ấn tượng với khách hàng rằng bên này chuyên biệt về sản phẩm đó. Nhưng mình vẫn hoàn toàn có thể bán thêm các sản phẩm khác như rèm cầu vồng, rèm tre,… Sau đó sẽ mở rộng quy mô khách hàng hơn.

Về việc có thể bán thêm các sản phẩm đi kèm, mình sẽ lấy tiếp ví dụ về sản phẩm hỗ trợ mọc râu như trên để bạn có thể theo dòng suy nghĩ.

Khi bán sản phẩm hỗ trợ mọc râu (đã là một ngách nhỏ). Bạn có thể chia thành ngách siêu siêu nhỏ là bán sản phẩm của một hãng nào đó trước (ví dụ Kirkland). Sau đó, khi chiếm lĩnh được ngách hãng đó rồi mở rộng ra các hãng khác.

Sau khi phát triển mạnh hơn ở sản phẩm hỗ trợ mọc râu rồi. Bạn có thể mở rộng bán thêm các sản phẩm hỗ trợ tỉa râu như kéo, dao cạo, máy cạo râu,… Ai nuôi râu xong chẳng phải cắt tỉa phải không?

Với những bước tiến như vậy sẽ giúp bạn có những bước tiến vững chắc hơn cả về kỹ năng, tài chính, hiểu biết về thị thường.

Nghiên cứu đối thủ

Điều này quan trọng, bạn nghiên cứu càng kỹ bao nhiêu thì sẽ càng tránh được mất tiền ngu bấy nhiêu. Việc nghiên cứu đối thủ không phải để thấy họ làm gì rồi bắt chước làm theo y hệt mà là để hiểu sâu hơn thị trường và xác định hướng đi của mình.

Khi tham khảo đối thủ bạn cần phải tìm hiểu xem kênh nào đang là kênh họ khai thác mạnh nhất. Thông thưởng những kênh họ đẩy mạnh nhất là những kênh đang đem lại hiểu quả cao nhất cho họ.

Hãy luôn đặt ra câu hỏi vì sao họ lại làm như vậy, mỗi lần đặt ra câu hỏi đó và tự tìm hướng giải đáp bạn sẽ hiểu sâu hơn thị trường.

Hầu hết các đối thủ khi đã ở trong thị trường lâu năm, những chiến lược họ làm, kênh họ đang quảng cáo, cách truyển tải thông tin đều có lý do của họ.

Mình gặp rất nhiều trường hợp các bạn tìm hiểu đối thủ sau đó bắt chước y hệt họ, thậm chí cả content, ảnh, website,… điều này chỉ làm khách hàng nhớ đến đối thủ của bạn hơn thôi. Nếu bạn là khách hàng, với 2 bên gần như y hệt nhau thì bạn sẽ chọn bên đã lâu đời và có uy tín hơn hay chọn một bên mới copy y hệt lại của phiên bản gốc?

Khi tìm hiểu và học hỏi những gì hay ho của họ, bạn hãy suy nghĩ thêm bổ sung để có sự khác biệt cho chính mình chứ không phải đem y nguyên lại những gì họ làm.

Để tham khảo cách tạo ra sự khác biệt bạn có thể đọc bài viết: Khác biệt trong kinh doanh hay là “chết”!

Hãy bắt đầu với một kênh duy nhất và làm chuyên nghiệp nhất có thể.

Khi khởi đầu, ngân sách còn hạn chế, bạn cũng phải làm rất nhiều việc từ tìm hiểu sản phẩm đến học hỏi cách làm nên mình khuyên bạn nên chỉ bắt đầu với 1 kênh duy nhất trước tiên.

Hãy tập trung tối đa nguồn lực của mình để nghiên cứu và phát triển kênh đó và làm chuyên nghiệp nhất có thể. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của việc bán hàng của bạn rất nhiều.

Đó chính là nguyên tắc 80/20, bạn cần tìm một kênh mà đem lại cho bạn chuyển đổi cao nhất với ngân sách thấp mà đem lại hiểu quả cao.

Việc chọn kênh nào để bắt đầu trước tiên phụ thuộc rất nhiều vào việc nghiên cứu đối thủ và đánh giá của bạn. Bạn có thể tập trung vào kênh đối thủ đang làm mạnh nhất hoặc đọc tiếp phần dưới, mình sẽ đánh giá tổng quan các kênh bên dướ để bạn xem có phù hợp hay không? Phần này đậm màu sắc ý kiến chủ quan của mình và mình cũng không phải cái gì cũng biết nên chỉ tham khảo thôi nhé!

Bạn có thật sự cần Website?

Có một Website đẹp, rõ ràng chắc chắn sẽ tăng uy tín của bạn trên môi trường online rất nhiều. Khách hàng sẽ có niềm tin vào shop bạn hơn vì họ đánh giá bạn chuyên nghiệp và có đầu tư nên không phải kiểu shop làm ăn chộp giật.

Đồng thời có một Website bạn cũng sẽ có kênh bán hàng của riêng. Lưu lại được thông tin đối tượng để remarketing, khách hàng cũng có thể truy cập trực tiếp để mua hàng khi họ đã biết đến bạn rồi.

Bạn hiểu đơn giản rằng bạn đang có cửa hàng của riêng bạn, tự chủ mọi thứ trong cửa hàng của mình.

Thay vì phải bán nhờ trên nhà người khác như Facebook, Instagram, sàn TMDT để mỗi khi họ thay đổi chính sách hay khóa tài khoản thì mình không thể làm gì được vì đang trên đất của họ và phải tuân thủ luật chơi và quyết định của họ.

Nhưng điều mình muốn nói ở đây là trong thời gian đầu này bạn có cần thiết phải làm ngay một Website hay không? Bởi vì, làm Website sẽ chiếm một phần khác lớn về chi phí và công sức của bạn.

Nếu bạn định hướng rằng mình sẽ sử dụng Google Ads làm kênh bán hàng của mình thì chắc chắn bạn sẽ phải làm một Website.

Nếu bạn bán các sản phẩm dạng tiêu dùng và thay đổi mẫu mã liên tục như quần áo, trang sức và tư vấn khách hàng qua các mạng xã hội thì mình nghĩ bạn chưa cần phải làm Website trong giai đoạn này.

Nếu mục tiêu của bạn là lấy Lead ( Khách hàng để lại thông tin), hoặc chỉ bán 1 hoặc một vài sản phẩm thì có thể làm Landing Page.

Bạn có thể xem bài viết “Đánh giá các nền tảng thiết kế Landing Page tốt nhất 2019” để có thể lựa chọn nền tảng thiết kế Landing Page phù hợp.

Nếu bạn bán nhiều sản phẩm, các sản phẩm không thay đổi mẫu mã liên tục thì nên làm một Website để mang lại hiệu quả cao và tận dụng được nhiều kênh quảng cáo hơn. Bạn sẽ cần Website có thể đặt hàng, liên kết với bên vận chuyển, sàn thương mai điện tử hãy tham khảo 2 nền tàng là Sapo hoặc Haravan.

Hãy đọc bài viết Nên chọn nền tảng nào làm Website bán hàng online để lựa chọn nền tảng làm Website phù hợp nhất cho mình. 

Sàn thương mại điện tử Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…

Có khá nhiều bạn khởi đầu với các sàn thương mại điện tử, đây là một kênh miễn phí khá tốt vì hiện tại các sàn TMDT đang đầu tư rất lớn để quảng cáo và tạo thói quen mua sắm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên bạn cần lưu ý các điểm sau:

  • Tuân thủ quy định của các sàn TMDT nếu không muốn bị khóa tài khoản.
  • Gặp sự cạnh tranh về giá rất lớn từ đối thủ vì đa phần các shop trên sàn sẽ cạnh tranh nhau về giá, đặc biệt là Shopee.
  • Nhiều Khách hàng muốn mua trên sàn TMDT vì giao hàng miễn phí.
  • Hãy làm khác các đối thủ khác, mô tả kỹ càng về sản phẩm hơn các shop khác thay vì copy nội dung y hệt như nhau.
  • Để giảm copy nội dung từ các shop khác có thể sử dụng dạng content ảnh. Phần text, ảnh đều được ghi nội dung trên file ảnh có ghi dấu bản quyền của bạn. Vừa có thể trình bày đẹp hơn, vừa giảm thiểu được các shop thích copy nội dung y hệt.
  • Nhờ bạn bè người thân feedback hoặc mượn tài khoản đặt hàng rồi để lại feedback lại để tạo sự tin tưởng cho những người mua đầu tiên.
  • Kích thích khách mua hàng để lại feedback bằng cách để thiệp yêu cầu khi đóng gói hàng gửi đi, hoặc tặng một món quà nhỏ ( phần này làm có hiệu quả hay không là do cách bạn làm có tinh tế khiến người mua phải vào đánh giá không)
  • Học cách tối ưu đặt tiêu đề sản phẩm, cách viết nội dung để tối ưu giúp sản phẩm dễ được tìm kiếm trên sàn hơn.
  • Có thể sử dụng thêm các dạng quảng cáo, shop tài trợ trên các sàn. Mỗi sàn sẽ có một dạng quảng cáo khác nhau.
  • Tham gia các chương trình Big Sale của các sàn để tăng lượng Khách hàng và tạo uy tín cho shop.

Đó là những gì mình tổng hợp được để lưu ý cho bạn, để làm cụ thể hơn bạn hãy bắt tay vào làm và tìm kiếm thêm thông tin. Mình không có quá nhiều kinh nghiệm trong việc làm sàn TMDT bởi mình sử dụng Website và không muốn cạnh tranh nhau về giá với các shop khác trên đó.

Những có rất nhiều bạn bán đơn hàng rất ổn và nhiều trên đó. Đây có thể là một kênh khởi đầu với bạn để bán hàng, có thể % lãi không cao nhưng bạn sẽ bán được hàng với mục đích lấy data khách hàng hoặc bán được nhiều đơn để deal giá nhập thấp xuống với Nhà cung cấp.

Facebook: Profile, Ads

Bán hàng trên Facebook vẫn luôn là một kênh được rất nhiều người sử dụng bởi số lượng người dùng đông đảo và phổ biến nhất.

Việc bán hàng trên Profile Facebook đã giảm nhiệt so với ngày xưa rất nhiều bởi Facebook hiện tại quét tài khoản ảo rất chặt nên giảm bớt hiện tượng dùng tools chạy tự động kết bạn và tương tác như trước. Tuy nhiên, nó sẽ vẫn mang lại hiệu quả nếu bạn biết cách áp dụng phù hợp và kiên trì.

Thay vì bạn dùng nhiều tài khoản để đi kết bạn, đi spam bán sản phẩm hàng loạt, bạn có thể sử dụng 1,2 tài khoản thôi. Sau đó đi kết bạn và cung cấp các nội dung chất lượng trên Profile, chia sẻ vào các nhóm để tạo brand các nhân.

Hạn chế việc up bài bừa bãi về sản phẩm trên trang cá nhân – điều này chỉ khiến người dùng unfollow bạn và facebook hạn chế hiển thị nội dung bài đăng của bạn lên người khác mà thôi.

Hãy cung cấp các nội dung có giá trị liên quan đến sản phẩm, tips,… nói chung là các nội dung có ích cho người dùng và làm đều đặn. Khi người dùng tương tác nhiều, facebook cũng sẽ hiểu bạn đang cung cấp giá trị cho người dùng và ưu tiên hiển thị bài viết của bạn hơn. Ít mà chất lượng.

Về quảng cáo thì rộng vô cùng, từ kỹ thuận đến hình ảnh, cách giật title, đến việt nội dung lôi cuốn,…

Bạn có thấy vô vàn trung tâm, khóa học từ mũ trắng, mũ đen đến mũ xám. Quan điểm của mình vẫn là làm sao tạo được nhiều giá trị cho khách hàng nhất. Khi bạn tạo được giá trị sẽ có chỗ đứng bền bỉ và lâu dài.

Lời khuyên của mình là bạn hãy nên tìm mua quyển sách Quảng cáo Facebook từ A đến Z của Media Z Book nhé. Quyển sách này sẽ hướng dẫn bạn các kỹ thuật và tư duy quảng cáo Facebook cần thiết. Sau đó bạn bắt tay vào làm và thử nghiệm thay vì mất 4 – 5 triệu cho các khóa học bạn có thể dùng tiền đó để tự trải nghiệm.

Mình chỉ lưu ý với bạn một số điều sau:

  • Lựa chọn định dạng quảng cáo phù hợp với mục tiêu của mình. Bạn cần xác định mục tiêu chiến dịch của mình để chọn quảng cáo cho phù hợp như: Chuyển đổi, Tương tác, Gửi tin nhắn, Leads,…
  • Cẩn thận với các quy định về bản quyền, hàng vi phạm chính sách trên Facebook để tránh khóa tài khoản Ads và Fanpage.
  • Hình ảnh, Video phải nổi bật: Giữa một newsfeed dài dằng dặc, người dùng sẽ có thói quen lướt rất nhanh nên nhiệm vụ của hình ảnh là làm cho người dùng dừng lại trước quảng cáo của bạn đã.
  • Tiêu đề, nội dung content hấp dẫn: Khi người dùng đã dừng lại trước quảng cáo của bạn rồi. Bạn cần một tiêu đề và nội dung hấp để người dùng tiếp tục đọc.
  • Sử dụng Pixel: Điều này quan trọng và bắt buộc bạn phải làm nếu không muốn ném tiền qua cửa sổ. Pixel sẽ là nơi lưu trữ Khách hàng của bạn, thứ tài sản quý giá mà bạn phải giữ và sử dụng nó hiệu quả.
  • Sử dụng phễu để dẫn dắt Khách hàng: Hàng ngày người dùng tiếp cận rất nhiều quảng cáo, thương hiệu nên rất nhiều loạn thông tin. Vì vậy, không nhiều người có thể ra quyết định mua hàng ngay khi nhìn thấy quảng cáo bán hàng trực tiếp của bạn (nhất là các mặt hàng có giá trị lớn). Bạn sẽ cần đưa Khách hàng vào một hành trình để Khách hàng làm quen với sản phẩm, thương hiệu của bạn. Bạn sẽ phải sử dụng Pixel và công cụ lọc đối tượng của Facebook để thực hiện điều này.
  • Hiện tại tỉ lệ tiếp cận của Fanpage ngày càng giảm do Facebook ưu tiên hiện các thông tin hữu ích hoặc bạn bè, người thân nên dù người dùng có like fanpage của bạn thì tỉ lệ thấy bài đăng cũng là rất ít.
  • Hãy tận dụng Chatbot để tương tác với Khách hàng để giảm thiểu nhân lực và có thể cung cấp thông tin Khách hàng cần nhanh nhất.

Instagram – Xu hướng phát triển mạnh

Instagram được Facebook mua lại và bạn cũng có thể chạy quảng cáo Instagram thông qua Trình quản lý quảng cáo của Facebook. Tuy nhiên, mình đưa Instagram thành một phần riêng bởi vì sự khác biệt so với Facebook.

bán hàng trên facebook hay Instagram

Instagram là mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và clip ngắn dưới một phút ( clip dài hơn bạn có thể dùng IGTV – kênh Video của Instagram với clip định dạng dọc). Instagram được tích hợp các công cụ chỉnh ảnh và bộ lọc và chỉ được sử dụng trên điện thoại ( nếu vào bằng website trên máy tính sẽ không up được bài và gửi tin nhắn được).

Instagram không được phép up bài viết chứa link, hạn chế ký tự của bài đăng nên nội dung không bị loãng và spam nhiều như Facebook.

Chính vì điều này mà đối tượng người dùng của Instagram có độ tuổi khoảng dưới 30, ưu thích thời trang, du lịch và thường có guu riêng của mình.

Bản thân mình khi làm dịch vụ Instagram trong 2,3 năm vừa qua thấy số lượng người dùng Instagram ở Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Một phần do ảnh hưởng xu hướng từ nước ngoài, một phần là do Facebook hiện giờ phổ biến nên bố mẹ, đồng nghiệp, sếp cũng dùng khiến nhiều người tìm kiếm một mạng xã hội riêng tư hơn.

Một số lưu ý khi bạn xây dựng trên kênh Instagram đó là:

  • Phù hợp nếu sản phẩm của bạn dành cho đối tượng từ 30 tuổi trở xuống như: Mỹ phẩm, Nước hoa, Đồ ăn, Du lịch, Quần áo,…
  • Instagram chỉ cho để link ở phần Bio ( mô tả bản thân) hoặc để ở phần Stories nếu tài khoản của bạn trên 10k follow.
  • Nên quảng cáo Instagram bằng Trình quảng cáo Facebook trên máy tính thay vì quảng cáo bằng app Instagram trên Mobile.
  • Hãy tạo cho mình một phần Bio rõ ràng và hấp dẫn để tăng tỉ lệ follow của người dùng.
  • Hình thức quảng cáo phổ biến trên Instagram là shoutout – đăng bài viết trên tường nhà các KOLs. Bạn có thể lựa chọn KOLs phù hợp và trực tiếp gửi tin nhắn deal giá với họ. Nên nhớ chọn KOLs phù hợp với sản phẩm, đừng nhìn vào số lượng followers mà hãy tập trung vào lượng tương tác bài post của họ vì rất nhiều KOLs có followers ảo, hoặc followers không phù hợp ( như acc Instagram im.medio của mình đang dùng chẳng hạn. Acc đó mình đổi tên từ acc người yêu chó chihuahua của mình ở thị trường nước ngoài nên follow cao nhưng tương tác rất thấp vì hầu hết là người nước ngoài)
  • Hình thức khác nữa là bạn đi follow và tương tác với tài khoản khác để tiếp cận. Khi họ thấy tài khoản bạn hữu ích sẽ follow lại. Đây tính là hình thức mà mình làm dịch vụ cho mọi người. Tuy nhiên, ở thời điểm mình viết bài viết này Instagram đăng chặn follow (block action) nên cách này hiện tại thực hiện không còn hiệu quả cao như trước.

Để tìm hiểu thêm về cách phát triển Instagram bạn đọc thêm bài viết: 5 bước xây dựng Instagram bán hàng hiệu quả miễn phí.

Google Ads ( Search, GDN)

Để chạy được quảng cáo Google Ads điều bắt buộc là bạn cần phải có Website. Nếu bạn có Website thì mình nghĩ bạn nên ưu tiên chạy kênh Google Ads trước bởi sẽ hiệu quả hơn theo chi phí bỏ ra.

Một số lưu ý ở Google Ads dành cho bạn đó là:

  • Kênh Google Search là kênh bạn nên áp dụng đầu tiên vì những người tìm kiếm thường là những người đã có nhu cầu rồi nên bạn tìm được đúng khách hàng mục tiêu dễ dàng hơn.
  • Google có clip dạy chạy quảng cáo trên Youtube bạn nên xem để học từ căn bản.
  • Khảo sát từ khóa là một khâu rất quan trọng trong chạy quảng cáo Google. Vì vậy hãy làm thật kỹ bước này để tránh trả giá bằng tiền.
  • Nên chạy những từ khóa dài mà đem lại chuyển đổi cao hơn là những từ khóa ngắn và chuyển đổi thấp. Bạn có thể hiểu rằng thường thì những người có nhu cầu cao họ sẽ tìm kiếm từ khóa dài hơn. Và một điều nữa là khi bạn mới bán hàng sẽ không đủ ngân sách để chạy những từ khóa ngắn bởi lượng traffic lớn và phải cạnh tranh với các bên nhiều tiền.
  • Chia bộ từ khóa thành các nhóm tương tự nhau. Mỗi nhóm bạn hãy tạo ít nhất 3 mẫu quảng cáo để test. Google sẽ tự tối ưu ưu tiên các mẫu quảng cáo hiệu quả hiển thị nhiều hơn.
  • Nên chạy dạng từ khóa là đối sánh cụm từ hoặc đối sánh chính xác thay vì đối sánh rộng.
  • Liên tục kiểm tra các cụm từ tìm kiếm mà người dùng đã tìm kiếm để truy cập vào Website của bạn để phủ định những từ không mang lại hiệu quả cao.
  • Nên cài theo dõi chuyển đổi để biết từ khóa nào thực sự hiệu quả vì đôi khi có nhóm từ khóa có thể tỉ lệ click cao, giá rẻ nhưng người dùng không mua hàng thì cũng không mang lại doanh thu cho bạn. Có nhóm từ giá thầu đắt nhưng tỉ lệ mua hàng cao thì vẫn là nhóm quảng cáo tốt. Bạn có thể cài chuyển đổi theo mục đích của bạn như chuyển đổi mua hàng, chuyển đổi đăng ký, chuyển đổi cuộc gọi,…
  • Quảng cáo hiển thị ( GDN – Google Display Network) bạn có thể chạy với định dạng hình ảnh, text, trueview ( video clip) nhưng sẽ ngốn ngân sách khá nhanh. Chỉ khi nào mà đã chạy hết kênh search mà vẫn còn ngân sách thì mới nên chạy. Nếu không thì chỉ chạy Remarketing lại các đối tượng đã vào Website mà chưa thực hiện hành động thôi nhé!

Email Marketing

Sử dụng Email Marketing ở Việt Nam hầu như bị sử dụng thành spam email. Chính vì điều này nên nhiều người nói răng Email Marketing không hiệu quả và ở Việt Nam không phù hợp.

Tuy nhiên, nếu bạn gửi theo dạng Spam thì đương nhiên không có hiệu quả rồi vì Email sẽ bị đưa vào mục spam hoặc người dùng cũng chẳng ai muốn đọc một Email gửi hàng loạt, nội dung thì chỉ thấy quảng cáo, font chữ thì xanh đỏ, to nhỏ tùm lum như hấp diêm thị giác của người dùng. Vì vậy, không hiểu quả là điều đương nhiên.

Email Marketing sẽ phù hợp hơn với các dạng sản phẩm số như Khóa học, Ebook,… vì những đối tượng này đa phần đã là những người hay sử dụng, check Email. Nhưng bạn hãy ngồi nghĩ xem đối tượng của bạn có phù hợp không. Chưa ai làm không có nghĩa là không làm được!

Có nên làm Email Marketing không?

Làm Email Marketing đúng cách bạn phải thu thập data người dùng sau đó cung cấp các thông tin giá trị định kỳ cho người dùng để người dùng làm quen với thương hiệu của bạn trước.

Chẳng hạn, sau khi người dùng đăng ký xong bạn gửi một Email chào mừng, sau 1,2 ngày gửi thêm các thông tin hữu ích, … Rồi sau đó mới người thông tin bán hàng, nếu họ vẫn chưa đăng ký thì có thể gửi thêm một mã code giảm giá. Tất cả bạn đều có thể làm qua kịch bản cài đặt sẵn với dịch vụ Email Marketing của các bên như Mailchimp, Sendgrid, Get

Để làm được Email marketing đòi hỏi bạn phải học thêm về các quy định để tránh email bị đưa vào Spam, cách thu data email, cách viết nội dung,… Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn thông tin trên mạng.

Mình cũng có một số lưu ý dành cho bạn đây:

  • Hãy sử dụng Dịch vụ Email của các nhà cung cấp như Mailchimp, Sendgrid, GetResponse,… Bởi gửi bằng Gmail hay Email theo hosting bạn sẽ không gửi được nhiều mail và rất dễ vào Spam. Đồng thời họ cũng cung cấp các công cụ cần thiết để bạn tạo lập danh sách Email, Báo cáo hiệu quả, Tạo kịch bản,…
  • Luôn có nút Hủy đăng ký ở dưới cuối mỗi Email để người dùng có thể hủy đăng ký khi không muốn nhận Email thay vì họ báo cáo spam khiến bị dính vào danh sách đen.
  • Tiêu đề Email là điều rất quan trọng để kích thích người dùng có click vào xem email của bạn không.
  • Phân chia danh sách Email của bạn theo đúng các vấn đề người dùng quan tâm để tránh gửi nội dung mà người dùng không muốn đọc. Bởi vì tỉ lệ mở email thấp quá cũng sẽ khiến địa chỉ Email của bạn dễ vào danh sách đen.
  • Bạn có thể sử dụng Email Marketing để giới thiệu sản phẩm mới hoặc khuyến mãi mới đến các Khách hàng đã mua hàng.
  • Người dùng ít khi đăng ký vào Danh sách email của bạn nếu bạn không có một quà tặng nào đó chẳng hạn như một quyển ebook ngắn, một món quà nhỏ nào đó,…

Đó là những kênh chính mà bạn nên biết khi bắt đầu bán hàng online. Còn một vài những kênh khác như Zalo, Cốc Cốc, Tik Tok,… mình sẽ viết thêm nếu có nhiều người quan tâm.

Một lưu ý bạn cần nhớ là sau khi việc kinh doanh đã bắt đầu ổn định hơn bạn cần phải làm đa kênh để tránh việc kinh doanh phụ thuộc vào một kênh duy nhất. Để mỗi khi kênh đó trái nắng dở trời bạn vẫn còn những kênh khác để tiếp tục duy trì công việc kinh doanh.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người có một khởi đầu thuận lợi. Nếu không thuận lợi lắm cũng không sao cả, đó sẽ là những kinh nghiệm giúp bạn đến gần với Khách hàng hơn, phát triển bản thân.

Bản thân mình khi nhìn lại ngày xưa cũng thấy mình học hỏi được rất nhiều điều trong quá trình làm. Thấy bản thân tiến bộ so với ngày xưa rất nhiều. Đó mới là những điều tuyệt vời nhất phải không?

Bài viết này thật sự khá dài, lần đầu tiên mình viết một bài dài hơn 5000 từ thế này! Chúc bạn khởi nghiệp kinh doanh tốt lành. Nếu có bất kỳ góp ý hay có thắc mắc gì cần giải đáp đừng ngần ngại comment bên dưới nhé! Đó cũng là động lực để mình tiếp tục cung cấp các nội dung có giá trị hơn!

Được phân loại trong:

Được gắn thẻ trong:

, , , , ,